“Lỗ hổng tiêu cực” trong vốn trái phiếu Chính phủ
(Dân trí)- “Ai cũng biết dự án nhiều, nhưng tổng số tiền có 225 ngàn tỷ, điều kiện như thế này ai chạy giỏi thì làm trước. Đây là lỗ hổng tiêu cực nếu ta tiếp tục làm cách này”, đại biểu Trần Du Lịch nói về các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Tiền cho giao thông nhiều nhưng quản lý kém
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết: 5 dự án Chính phủ đề nghị thì có 3 dự án cho giao thông, 1 dự án cho y tế, 1 dự án cho giáo dục, tổng mức tiền là 5.363 tỷ. 3 dự án giao thông chiếm tới 4.973 tỷ, 2 dự án còn lại là 390 tỷ.
“Tôi thấy cân đối dự án đầu tư cho giao thông tương đối nhiều. Khi chúng tôi tiếp xúc với cử tri, bà con đánh giá chúng ta đầu tư cho giao thông rất nhiều tiền, nhưng quản lý dự án giao thông rất kém, chất lượng, hiệu quả và đặc biệt là thất thoát tài chính, tiêu cực trong sử dụng kinh phí rất nhiều. Cho nên, tôi đề nghị 3 dự án giao thông này nên xem xét, cân nhắc lấy 1 hoặc 2 dự án là cùng. Dự án thứ ba về đầu tư cho xây dựng đường với số tiền lớn đến 935 tỷ thì cần phải đánh giá. Đặc biệt là đánh giá lại toàn bộ đầu tư cho giao thông trong giai đoạn vừa qua. Rất nhiều dư luận bức xúc về đầu tư tiền cho giao thông nhưng hiệu quả rất kém”, đại biểu Thạch nhấn mạnh.
Cũng về vấn đề giao thông, vị đại biểu này cho rằng, ở TPHCM và Hà Nội, tiền đầu tư cho việc di dời các trường đại học và bệnh viện ra ngoài thành phố quá ít. “Có những trường có đất rồi, nhưng chưa có tiền. Tôi ví dụ dự án Đại học quốc gia Hà Nội, từ năm 2002 đến giờ đã giải phóng được 80% trên tổng 1.000 ha đất, theo Nghị quyết 11 vừa qua cắt giảm đi chỉ còn 145 tỷ, vừa qua cắt 3 dự án đi còn hơn 100 tỷ/1 năm. Chúng tôi tính với hạng mục công trình đầu tư của Đại học quốc gia như vậy thì khoảng 200 năm nữa Đại học quốc gia Hà Nội có thể lên gần hết Hòa Lạc”, ông Thạch nói.
Do đó, đại biểu này đề xuất cần phải đầu tư tiền, kể cả trái phiếu Chính phủ và các nguồn khác cho việc di dời các trường đại học, các bệnh viện ra khỏi nội đô để đỡ ùn tắc giao thông và bức xúc trong đô thị.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) lại kiến nghị không đặt vấn đề 5 dự án này, bởi danh mục trình ra Quốc hội kỳ họp trước chuẩn bị từ lâu rồi. “Tôi cho rằng ai cũng biết dự án thì nhiều, tổng số tiền có 225 ngàn tỷ, điều kiện như thế này, ai chạy giỏi thì làm trước. Đây là lỗ hổng tiêu cực nếu ta tiếp tục làm cách này”, đại biểu Lịch thẳn thắn nói.
Liên quan đến 3 dự án giao thông, đại biểu Lịch cho hay: “Tôi là người luôn luôn ủng hộ đầu tư giao thông, có tiền là làm giao thông. Tôi bị cử tri phản ứng rất nặng nề, họ nói rằng tình trạng đầu tư giao thông quá nhiều tiền, người ta đặt vấn đề xây dựng đường Việt Nam đắt nhất thế giới, đắt hơn Mỹ, đắt hơn các nước trong khu vực, tại sao? Chất lượng thì kém, làm chưa đi đã hỏng, đường nông thôn làm đoạn đầu xong, kiếm tiền làm đoạn thứ hai thì đoạn đầu lại hỏng, nghĩ nhiều cách để sửa chữa, duy tu bằng tiền dân. Do đó, vấn đề đầu tư giao thông là cần thiết, nhưng vấn đề cần thiết hơn là làm sao không thất thoát, chất lượng, giá thành không tiêu cực để nguồn đầu tư thực sự đi vào hiệu quả”.
Phân bổ trái phiếu Chính phủ chưa công bằng, minh bạch
Còn theo đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) thì, cách phân bổ trái phiếu Chính phủ không được minh bạch, công bằng. “Tôi đọc dự kiến mà Bộ kế hoạch và Đầu tư cho in ấn rồi, tức là Chính phủ quyết định phân bổ 225 ngàn tỷ trái phiếu Chính phủ trong 5 năm tới cho An Giang khoảng hơn 800 tỷ. Tôi cứ chia 225 ngàn tỷ cho 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh cũng được trên 3.000 tỷ. Tại sao trong suốt 5 năm tới An Giang chỉ được chưa tới 1.000 tỷ, có phải vì không biết đi xin? Chúng tôi đề nghị cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, có được thì trình luôn ra kỳ họp này các tiêu chí để xác định 5 dự án này thực sự thuyết phục để chúng tôi ấn nút”, đại biểu này nêu ví dụ thực tế tại địa phương mình.
Trước những ý kiến của đại biểu, ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Thường vụ Quốc hội cũng cân nhắc rất kỹ, thận trọng, nhìn nhận một cách toàn diện, cũng rất lo lắng lúc phải trình ra Quốc hội về việc bổ sung 5 dự án này. Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, khi làm nghị quyết là thời điểm giữa năm, Quốc hội đã khoanh lại đầu tư công, trong đó có cả trái phiếu Chính phủ, riêng trái phiếu Chính phủ đã khoanh lại từ nay tới năm 2015 là 225.000 tỷ.
“Bây giờ quyết định đó của Quốc hội cho đến thời điểm này chưa có căn cứ để thay đổi, cho nên có bổ sung gì, có xem xét gì danh mục công trình cũng chỉ được phép nằm trong số 225.000 tỷ Quốc hội đã quyết định. Chúng ta chỉ có thể bàn lại danh mục một cách tổng thể khi Quốc hội quyết định nới rộng đầu tư công và còn phải tính toán vì kinh tế vĩ mô của ta chưa ổn định, đầu tư công vẫn chưa được cơ cấu một cách khoa học, có quản lý chặt chẽ, đảm bảo có hiệu quả”, Chủ tịch Hùng lý giải.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nguồn vốn phân bổ cho 5 dự án được đề nghị bổ sung lần này nằm trong 13.000 tỷ đồng dự phòng trong tổng số 225.000 tỷ đồng được quy định trong Nghị quyết số 12 của Quốc hội về tổng mức đầu tư trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011- 2015.
Hiện tại, Quốc hội đã có Nghị quyết giao cho Chính phủ và Chính phủ đang tiến hành rà soát để cân đối các nguồn vốn khác trước khi bàn tới việc tăng đầu tư công. Khi rà soát sẽ phải tính tới việc cân đối các nguồn vốn khác như ngân sách, trái phiếu công trình, huy động nguồn lực xã hội, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư, để chúng ta giải quyết tình trạng nhiều dự án đã bắt đầu chuyển động, có thể đã khởi công hoặc có thể rất quan trọng nhưng chưa khởi công, có thể đang dở dang.
Nguyễn Hiền