Lo đồng rúp sụp đổ, người dân Nga đổ xô đi rút ngoại tệ
(Dân trí) - Theo Bloomberg, người dân Nga đang xếp hàng dài trước các ATM trên khắp đất nước để rút ngoại tệ khi các lệnh trừng phạt mới dội xuống Điện Kremlin, dấy lên lo ngại đồng rúp có thể sụp đổ.
Người dân Nga đang đổ xô đi rút ngoại tệ bất chấp một số ngân hàng bán ra đồng USD với giá cao hơn 1/3 so với giá đóng cửa cuối tuần trước và tỷ giá của đồng rúp so với đồng USD vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng 100 rúp đổi 1 USD. Đây là mức mà nhiều nhà kinh tế cho rằng sẽ kích hoạt việc tăng lãi suất của ngân hàng Nga.
Theo Bloomberg, cú sốc diễn ra khi người Nga lan truyền rằng châu Âu đang đóng cửa không phận với họ và hệ thống thanh toán phổ biến đối với người dân Nga là ApplePay sẽ ngừng hoạt động.
Vladimir, một lập trình viên 28 tuổi đang xếp hàng chờ rút tiền trước ATM tại một trung tâm mua sắm ở Moscow, cho biết: "Tôi đã đứng xếp hàng trong 1 giờ đồng hồ, nhưng khắp nơi đều không còn ngoại tệ, chỉ còn đồng rúp. Tôi bắt đầu hơi muộn vì không nghĩ điều này có thể xảy ra".
Cuối tuần qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất loại bỏ một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống nhắn tin tài chính toàn cầu SWIFT và đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương Nga. Phần lớn các nước châu Âu cũng đã đóng cửa không phận với các máy bay của Nga, điều này có thể gây khó khăn cho việc vận chuyển tiền mặt vào nước này.
Đây được coi là lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với một nền kinh tế lớn trong ít nhất một thế hệ, theo Bloomberg.
Đồng rúp đã giảm giá mạnh khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần. Tỷ giá hối đoái của các ngân hàng rất khác nhau. Tại ngân hàng Alfa là 98,08 rúp đổi 1 USD, tại Sberbank là 99,49 rúp đổi 1 USD, tại VTV Group là 105 rúp đổi 1 USD, và thậm chí tại ngân hàng Otkritie là 105 rúp đổi 1 USD. Trong khi hôm thứ 6 tuần trước, giá đồng rúp giao ngay trên sàn giao dịch Moscow đóng cửa ở mức 83 rúp đổi 1 USD.
Tuần trước ngân hàng trung ương Nga cũng cho biết sẽ tăng cung cấp tiền mặt cho các ATM để đáp ứng nhu cầu và khẳng định cam kết cung cấp cho các ngân hàng nguồn cung đồng rúp để không bị gián đoạn. Tuy nhiên, thông báo không đề cập đến nguồn cung ngoại tệ hay lệnh trừng phạt.
Lần gần đây nhất Nga đối mặt với một đợt cạn kiệt tiền mặt lớn là vào năm 2014 khi giá dầu thô lao dốc do các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến tỷ giá hối đoái sụp đổ. Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga đã cạn kiệt khoảng 1.300 tỷ rúp (tương đương 16 tỷ USD) chỉ trong 1 tuần.
Đại diện của Sberbank và VTB cùng các ngân hàng cho vay khác - những mục tiêu của các lệnh trừng phạt - chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Người phát ngôn của sàn giao dịch Moscow từ chối bình luận về kế hoạch giao dịch đồng rúp trong hôm nay.
"Tình hình hoàn toàn không ổn, các lệnh trừng phạt và hạn chế đối với ngân hàng trung ương chỉ có thể tồi tệ hơn", Alexandra Suslina, chuyên gia ngân sách tại Nhóm chuyên gia kinh tế có trụ sở tại Moscow, cho biết.