1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lộ diện 5 địa phương dẫn đầu chỉ số cạnh tranh PCI trước khi sáp nhập

Phương Liên

(Dân trí) - Top 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 thuộc về Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bắc Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2024 (PCI 2024). Đây cũng là lần cuối cùng PCI được công bố với đầy đủ 63 tỉnh, thành phố, trước khi quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh diễn ra vào cuối năm nay.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, chỉ số PCI không đơn thuần là bảng xếp hạng mà còn là một công cụ cải cách hành chính mạnh mẽ, là nơi doanh nghiệp nói lên tiếng nói thực tiễn, là nơi chính quyền lắng nghe và hành động.

Ông cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, vai trò của PCI như một "radar chính sách", giúp phát hiện sớm những điểm nghẽn, những rào cản vô hình, từ đó kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn và công bằng.

Trong bảng xếp hạng năm nay, Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm, tăng 4,5 điểm, tăng 2 bậc xếp hạng so với năm 2023. Năm nay là năm đầu tiên Hải Phòng dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Các địa phương khác cũng nhiều năm liền giữ vị trí cao như Quảng Ninh (73,20 điểm), Long An (72,64 điểm), Bắc Giang (71,24 điểm), tiếp tục nằm trong top đầu bảng xếp hạng.

Cũng theo ông Công, báo cáo PCI 2024 cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Theo đó, điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm - ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Năm 2024 là lần cuối cùng PCI được công bố với đầy đủ 63 tỉnh, thành phố. Theo ông Phạm Tấn Công, đây là thời điểm đặc biệt, vừa là dấu mốc kết thúc một chu kỳ cải cách bền bỉ, vừa mở ra một giai đoạn phát triển mới, nơi hiệu quả điều hành và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt.

VCCI cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, không chỉ qua PCI mà còn thông qua các sáng kiến mới như Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Chủ tịch VCCI cho rằng đây là công cụ đánh giá quản trị môi trường gắn với mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tạo ra "bộ đôi" chỉ số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Ngoài chỉ số PCI, năm 2024, Hải Phòng cũng dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) với kết quả đạt 96,17%.

Lộ diện 5 địa phương dẫn đầu chỉ số cạnh tranh PCI trước khi sáp nhập - 1

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2024 (Ảnh: VCCI).

Theo báo cáo, Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ đều có tên trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2024 và điểm số của những địa phương này đều có sự cải thiện so với PCI 2023.

Theo VCCI, đơn vị thực hiện nghiên cứu Báo cáo PCI thường niên, sự khác biệt tương đối lớn về điểm số PCI giữa một số tỉnh dự kiến sáp nhập phản ánh khoảng cách về chất lượng điều hành giữa các địa phương.

Việc giải quyết những khác biệt này sẽ rất quan trọng để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và duy trì ổn định, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

PCI năm 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân - trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. PCI năm 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân

Tuy nhiên, kết quả PCI 2024 cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, đặc biệt là tiếp cận đất đai, chi phí tuân thủ pháp luật và sự suy giảm tính năng động của bộ máy chính quyền địa phương.

Để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, VCCI nhận định, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công - tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo, VCCI cho rằng, việc duy trì và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp địa phương là nhiệm vụ cấp bách và mang tính quyết định.

Báo cáo dựa trên kết quả điều tra của gần 10.000 doanh nghiệp trên cả nước, như thường lệ, báo cáo PCI 2024 công bố bảng xếp hạng các địa phương đứng đầu về chất lượng điều hành kinh tế theo đánh giá của doanh nghiệp.