Lo "đại dịch" tôm hùm đất, Tổng cục Hải quan "lệnh" kiểm soát chặt biên giới

(Dân trí) - Tổng cục hải quan vừa yêu cầu các đơn vị cấp dưới kiểm soát chặt việc nhập khẩu tôm càng đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất, đặc biệt ngăn chặn việc vận chuyển trái phép mặt hàng này tại cửa khẩu, lối mòn, lối mở ở các tỉnh biên giới.

Theo văn bản số 3189 của Tổng cục Hải quan, thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện mặt hàng tôm càng đỏ nhập vào Việt Nam để tiêu thụ. Tuy nhiên, theo Khoản VII, Điều VII, Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12, loại tôm hùm đất nói trên bị cấm nhập khẩu, buôn bán và vận chuyển, nuôi trồng tại Việt Nam.

Lo đại dịch tôm hùm đất, Tổng cục Hải quan lệnh kiểm soát chặt biên giới - 1

Tôm hùm đất sống được nhập vào Việt Nam

Tổng cục Hải quan khẳng định nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại là vi phạm pháp luật Việt Nam.

Do tôm hùm đất được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc qua đường bộ, đường biển, chính vì vậy, Tổng cục Hải quan ra lệnh cho các Cục, Chi cục hải quan các địa phương quản lý chặt chẽ việc nhập nhập mặt hàng nói trên để bảo vệ môi trường, tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

"Các Cục, Chi cục hải quan địa phương phải tăng cường mọi biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu loại tôm này về Việt Nam. Các đơn vị hải quan phải đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép mặt hàng này vào Việt Nam qua các cửa khẩu, lối mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới", Văn bản chỉ đạo của Tổng cục Hải quan nêu rõ.

Theo thông tin, từ ngày 12 đến ngày 18/5, lực lượng hải quan và biên phòng tại Lào Cai đã bắt giữ 7 vụ vận chuyển trái phép tôm hùm đất vào Việt Nam. Số lượng tôm hùm đất thu giữ gần 1 tấn (945kg).

Hiện, ngoài lực lượng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương biên giới trên đất liền và biển, lực lượng hải quan, quản lý thị trường cũng được huy động để kiểm tra, kiểm soát phát hiện, xử lý các trường hợp tàng trữ, buôn bán và vận chuyển trái phép loại tôm hùm đất nói trên.

Tôm hùm đất còn có tên khoa học là Cherax quadricarinatus), được Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I xác định là sinh vật gây hại, không có giá trị kinh tế cao. Chúng hay đào hang làm hỏng đê điều, phá hoại mùa màng. Là giống ăn tạp, thích nghi tốt với môi trường, tôm hùm đất có thể phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.

Từ năm 2013, loài tôm này được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, cấm phát triển tại Việt Nam.

Gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin xuất hiện cá nhân, tổ chức công khai bán loại tôm này còn sống ở chợ tại Việt Nam hoặc được rao bán trên diễn đàn mạng. Đây là loại tôm có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học và là loại ngoại lai phá hủy mùa màng nguy hiểm hơn nhiều so với ốc bươu vàng từng được nhập vào Việt Nam trước đây.

Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu trái phép loài thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu lô hàng, buộc tái xuất loài thủy sản.

Khung phạt tiền cao nhất theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ đối với hành vi này lên tới từ 920 triệu đồng đến 1 tỉ đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 230 triệu đồng đến dưới 250 triệu đồng.

Nguyễn Tuyền