Liên tục xảy ra tranh chấp, đừng để người dân phát sợ mua chung cư!

(Dân trí) - Một trong các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh chấp đó là chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình, không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư theo quy định.


Mòn mỏi 10 năm đòi nhà của cư dân Usilk City.

Mòn mỏi 10 năm đòi nhà của cư dân Usilk City.

Liên tiếp xảy ra tranh chấp ở chung cư

Bộ Xây dựng mới đây đã có báo cáo Thủ tướng về tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân chung cư. Theo đó, có hàng trăm dự án tại 43 địa phương xuất hiện tình trạng tranh chấp.

Trước khi có báo cáo này thì thực tế thời gian qua, trên khắp mặt báo những thông tin về việc cư dân căng băng rôn, xuống đường biểu tình phản đối chủ đầu tư xuất hiện với tần suất khá dày đặc.

Việc tranh chấp xảy ra trên diện rộng, từ những chủ đầu tư nhỏ với các khu chung cư ngoại thành như Bright City đến những dự án của những doanh nghiệp được đánh giá là lớn trên thị trường bất động sản như Gamuda Land...

Đặc biệt có những dự án mà sau tới cả 10 năm, người dân vẫn mòn mỏi đấu tranh đòi nhà, đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân như ở Usilk City. Hay có những dự án mà cư dân bỏ vài tỷ mới sở hữu được một căn chung cư với vị trí đắc địa nhưng vào ở đến 3 năm vẫn chưa có "sổ đỏ" như dự án Star City...

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu nại gia tăng ở chung cư. Một trong các nguyên nhân phổ biến đó là chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình, không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và các pháp luật khác có liên quan.

Trong đó, riêng vấn đề vi phạm về PCCC thì diễn ra khá phổ biến. Tại Hà Nội, Cảnh sát PCCC liên tục công bố danh sách những công trình, nhà cao tầng vi phạm về PCCC. Trong 199 địa chỉ được “bêu tên” thì quá nửa là các dự án chung cư.

Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng cho biết, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc lựa chọn chung cư là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên về lâu dài theo ông Võ cho rằng nếu cơ quan quản lý tiếp tục xuề xoà, chủ đầu tư tiếp tục thiếu trách nhiệm, liên tục xảy ra “hết vụ nọ đến vụ kia” thì chung cư có thể sẽ thành “nỗi sợ” của nhiều người.

“Bỏ ra số tiền lớn, thậm chí tới vài tỷ đồng và chờ đợi một thời gian dài mới được nhận nhà nhưng nhiều người khi nhận nhà lại nhận được một sản phẩm không hoàn hảo, không như cam kết. Thậm chí chất lượng công trình kém, không đủ điện tích hoặc sai phạm về thiết kế, về kiến trúc, quy hoạch hay an toàn phòng cháy chữa cháy… Việc người dân phản ứng khi bị mất niềm tin, ảnh hưởng đến quyền lợi là điều đương nhiên”, một chuyên gia bất động sản nhận định.

Cần phải xử lý thế nào?

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình trạng tranh chấp tại các dự án trên phạm vi cả nước, nhiều khả năng Bộ Xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra các dự án được “bêu tên”.

Đồng thời trước tình hình diễn biến phức tạp của các khiếu kiện, tranh chấp, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.

Vị này cũng cho biết, thời gian qua việc quản lý các dự án chung cư được phân cấp cho các địa phương. Để giải quyết tốt hơn vấn đề xử lý tranh chấp, khiếu kiện thì cần nâng cao hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương trong vấn đề này.

Một trong các vấn đề được Bộ Xây dựng đưa ra tại báo cáo Thủ tướng, đó là vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt; chưa thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật để các chủ thể liên quan hiểu và áp dụng luật pháp thống nhất (bao gồm quyền, nghĩa vụ và chế tài xử lý theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về hành chính, pháp luật về dân sự…).

Do vậy, chính quyền phường, xã đến quận, huyện, tỉnh, thành phố cần sát sao hơn nữa trong việc giám sát các chủ đầu tư vi phạm. Xảy ra tranh chấp thì chính quyền phải phân định được đúng sai, theo dõi đốc thúc cam kết tiến độ thực thi cam kết.

Bên cạnh đó, hơn ai hết bản thân các chủ đầu tư cần phải là những người ý thức được việc chấp hành đúng pháp luật, đúng cam kết với khách hàng. Nếu đi ngược lại với những gì cam kết, vi phạm pháp luật, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thì chính họ đang tự "chặt" đi khả năng phát triển của chính mình.

Trước đó, do tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư gia tăng tại các thành phố, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu không có giải pháp hợp tình, hợp lý, tranh chấp ngày càng phức tạp và khó giải quyết. Do vậy, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp những nội dung khiếu nại của dân cư tại các dự án nhà ở đối với chủ đầu tư.

Đây là cơ sở để rà soát lại quy định của pháp luật có liên quan để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp và hướng dẫn các cơ quan liên quan giải quyết các vụ khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án.

Nguyễn Mạnh

Liên tục xảy ra tranh chấp, đừng để người dân phát sợ mua chung cư! - 2