1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Liên tiếp xảy ra tranh chấp chung cư, chủ đầu tư "bội tín" đang tự loại mình khỏi thị trường!

(Dân trí) - "Tôi cho rằng bản thân các chủ đầu tư khi bội tín, bội ước thì chính họ đang tự thải loại mình trên thị trường. Báo chí vào cuộc, người dân khi mua nhà sẽ cân nhắc trước những chủ đầu tư “dính” lùm xùm như vậy", PGS.TS. Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng – Tổng hội xây dựng Việt Nam nói với Dân trí.

Bộ Xây dựng cho biết có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân.
Bộ Xây dựng cho biết có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản trong thời gian vừa qua.

Báo cáo cho thấy có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp tại 43 địa phương trên cả nước, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS. Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng – Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng cần sớm có giải pháp hợp tình, hợp lý nếu không tình tranh chấp sẽ diễn ngày càng phức tạp và khó giải quyết.

Theo ông, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những xung đột, tranh chấp tại các chung cư hiện nay là gì?

Để xảy ra tình trạng tranh chấp chung cư thì mỗi nơi một nguyên nhân khác nhau. Các cơ quan chức năng cần tổng hợp lại các nguyên nhân và từ đó có giải pháp.

Tôi thấy một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tranh chấp vừa qua cốt lõi đó chính là sự thiếu minh bạch, rõ ràng trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Nhiều chủ đầu tư chỉ chú trọng đến lợi nhuận trước mắt mà bất chấp quyền lợi khách hàng, không quan tâm đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình, không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư theo quy định.

Đó là nguyên nhân gốc rễ gây ra nhiều vấn đề. Bên cạnh đó tranh chấp xảy ra cũng xuất phát rất nhiều từ việc quản lý vận hành tòa nhà. Việc quản lý càng chuyên nghiệp bao nhiêu thì càng hạn chế xảy ra tranh chấp.

Vậy giải pháp để xử lý vấn đề này là gì thưa ông?

Tôi cho rằng trước hết phải xử lý được những gì không minh bạch, sòng phẳng trong hợp đồng mua bán. Chúng ta đã có hợp đồng mẫu rồi nhưng cần phải xem lại hợp đồng này thực sự chuẩn chưa, bình đẳng chưa, đã rõ ràng đối với người mua chưa? Có cần bổ sung gì thêm hay bỏ bớt điều khoản gì đi không?

Sau này tất cả tranh chấp khi xử lý đều căn cứ vào hợp đồng mua bán. Do vậy, người mua cần phải chú ý. Nhiều khi người mua thì lơ là, chủ đầu tư thì tối đa hóa lợi ích, chính quyền thì không can thiệp nên dễ xảy ra tranh chấp.

Trong trường hợp người mua không thông thạo khi đọc hợp đồng thì nên mời luật sư tham vấn cho. Trên thực tế nhiều khi chủ đầu tư không tuân theo hợp đồng mẫu, cố tình cài cắm những điều khoản có lợi cho họ. Đến lúc tranh chấp là họ sẽ xử lý theo hợp đồng, người dân nhận phần thiệt.

Vấn đề nằm ở chỗ nhiều chủ đầu tư không tuân theo hợp đồng, vi phạm các cam kết đặt ra đối với khách hàng chẳng hạn như về tiến độ, thiết kế, chất lượng… Vậy theo ông trường hợp này cần xử lý thế nào?

Thực tế đúng là rất nhiều tranh chấp xuất phát từ sự cố tình vi phạm của chủ đầu tư, từ lúc xây dựng cho đến lúc bàn giao dự án.

Nếu chủ đầu tư không thực hiện cam kết thì phải đưa ra tòa. Căn cứ để xem xét chính là hợp đồng mua bán. Ai không thực hiện đúng sẽ bị xử lý. Nhiều khi chính quyền rất khó trong việc can thiệp này nên để bảo vệ quyền lợi của mình, cư dân nên cân nhắc việc khởi kiện.

Tuy nhiên có một thực tế là người dân nhiều khi ngại ra tòa vì sợ kéo dài, mệt mỏi và kết quả thường không như mong đợi nên cũng phần nào cản trở việc họ đòi lại công bằng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, bản thân các chủ đầu tư khi bội tín, bội ước thì chính họ đang tự thải loại mình trên thị trường. Báo chí vào cuộc, người dân khi mua nhà sẽ cân nhắc trước những chủ đầu tư “dính” lùm xùm như vậy.

Nhà nước cũng không cấp dự án mới cho chủ đầu tư thiếu năng lực. Vừa qua nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực nhưng nhờ chạy chọt, xin xỏ nên vẫn được làm. Tôi tin rằng thời kỳ chụp giật sẽ qua. Xã hội ngày càng phát triển, ngày càng cần và quý sự tử tế.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Mạnh

Liên tiếp xảy ra tranh chấp chung cư, chủ đầu tư "bội tín" đang tự loại mình khỏi thị trường! - 2