Liên Bộ tính “nhầm” giá xăng: Ai thiệt ai lợi?

(Dân trí) - Petrolimex cho biết, trong 3 kỳ điều hành trong tháng 7 và đầu tháng 8, do chưa cập nhật cách tính mới, Liên Bộ đã tính giá cơ sở xăng dầu “nhầm” gần 200 đồng/lít.

Liên Bộ tính “nhầm” giá xăng: Ai thiệt ai lợi? - 1

Trong một văn bản gửi lên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về vấn đề tính thuế mặt hàng xăng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trong 3 kỳ điều hành giá xăng dầu kể từ 1/7 - 18/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tính “thiếu" giá cơ sở xăng dầu do vẫn dựa trên công thức cũ trước khi Nghị định 100/2016 của Chính phủ hướng dẫn các điều sửa đổi về thuế có hiệu lực.

Theo Nghị định 100 có hiệu lực kể từ 1/7/2016, giá cơ sở được tính trên giá bán ra của doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất. Đối với mặt hàng xăng dầu, giá bán ra hiện nay được quy định gồm giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, lợi nhuận định mức, chi phí định mức, quỹ bình ổn, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… Nghĩa là thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) theo cách tính mới sẽ được tính trên tổng các loại thuế phí khác.

Trong khi đó, theo quy định cũ, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu chỉ cần tính dựa trên thuế nhập khẩu và giá nhập khẩu. Nói cách khác, thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo cách cũ là tính theo đầu vào còn cách mới tính theo đầu ra của hàng hóa.

Petrolimex cho hay, với việc vẫn tiếp tục tính theo cách tính cũ khiến giá cơ sở xăng thấp hơn so với việc nếu tính bằng công thức mới. Với phương án giá CIF xăng A92 ở mức 49,16 USD/thùng thì mức chênh lệch này vào khoảng 185 đồng/lít. Trong đó, khoản thuế tiêu thụ đặc biệt bị tính thiếu là 165 đồng/lít và thuế giá trị gia tăng bị tính thiếu là 17 đồng/lít. Thay vì thuế tiêu thụ đặc biệt phải tính là 989 đồng/lít thì Liên Bộ chỉ tính có 824 đồng/lít.

Với cách tính chưa cập nhật này, tại thời điểm tháng 7 và nửa đầu tháng 8, người tiêu dùng được lợi nhờ giá bán lẻ được giảm sâu hơn so với quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, ngược lại, phía các doanh nghiệp có nguy cơ chịu thiệt bởi cơ quan thuế sẽ thu theo chính sách mới từ 1/7.

Do vậy, Petrolimex đã kiến nghị Liên Bộ Công Thương - Tài chính tính toán, công bố giá cơ sở mặt hàng xăng tại chu kỳ điều chỉnh giá từ ngày 19/8 theo công thức tại Nghị định 100 và là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp làm nghĩa vụ thuế với ngân sách.

Trên thực tế, sau kiến nghị của Petrolimex, trong chu kỳ điều hành từ 19/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã ngay lập tức đổi lại cách tính thuế theo Nghị định 100.

Một điểm đáng lưu ý, sau kỳ điều hành ngày 19/8, trao đổi với Dân trí, một số chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho rằng, hiện đang tồn tại một số bất cập trong việc thực hiện tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo Luật 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và Nghị định 100/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật 106/2016/QH13.

Cụ thể, theo hướng dẫn của Luật 106, đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Đối với hàng hóa nhập khẩu tại khâu nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu. Như vậy, đối với mặt hàng xăng thì nộp tại khâu bán ra.

Tuy nhiên, tại Nghị định 195/2015/NĐ-CP áp dụng trước thời điểm Nghị định 100 có hiệu lực thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra nhưng trừ mặt hàng xăng, nghĩa mà mặt hàng xăng chỉ nộp tại khâu nhập khẩu.

Trong khi đó, Nghị định 100/2016/NĐ-CP lại quy định giống như Luật 106 là không loại trừ mặt hàng xăng, nghĩa là mặt hàng xăng sẽ phải kê khai nộp tại đầu ra và thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào (khâu nhập khẩu) sẽ được khấu trừ như thuế giá trị gia tăng.

Theo một vị chuyên gia, việc sửa đổi bổ sung lần này về thuế tiêu thụ đặc biệt có những điểm khác biệt cơ bản về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn nào và có thể thời điểm này không được ban hành Thông tư nữa!

Một chuyên gia tài chính, am hiểu về các chính sách thuế, phí về xăng dầu tính toán, việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu sẽ khiến giá xăng dầu chịu thêm khoảng 200 đồng/lít tiền thuế.

"Như vậy, nếu thực hiện theo Luật sửa đổi bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá cơ sở hiện tại chưa đúng với quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Nghị định 100. Cụ thể chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt khâu nhập khẩu, chưa tính đến giá bán ra ngoài xã hội, tức là chưa tính thuế tiêu thụ đặc biệt của chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và bình ổn giá (nếu có)", chuyên gia này phân tích.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng tính toán, với mức chênh lệch gần 200 đồng/lít xăng do cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, giả sử mỗi năm tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn xăng, thì người tiêu dùng phải chi thêm gần 3.100 tỷ đồng (mỗi tấn xăng tương đương 1.270 lít).

Phương Dung