Doanh nghiệp "kiên trì" đòi nợ thuế xăng dầu

(Dân trí) - Nguồn tin của Dân trí cho biết, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vừa tiếp tục có kiến nghị gửi Bộ Tài chính về việc xử lý C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) để được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt đối với một số lô hàng xăng dầu nhập khẩu của công ty.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Trước đó, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan tại PV Oil cho rằng, C/O của 3 lô hàng của PV Oil chưa đáp ứng yêu cầu nên không được hoàn thuế và ra quyết định ấn định mức thuế đối với các lô hàng này.

Liên quan tới vụ việc này, PV Oil đã có 3 công văn gửi Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan giải trình và kiến nghị xem xét. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính về vấn đề này.

Tuy nhiên, phía PV Oil cho biết, kể từ ngày gửi công văn đầu tiên, đến nay công ty vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ Tài chính. Trong thời gian chờ ý kiến từ các Bộ ngành, PV Oil tiếp tục nhận được Quyết định của Cục Kiểm tra sau thông quan thông báo số thuế ấn định là hơn 57,6 tỷ đồng. PV Oil đã tạm nộp số tiền này vào ngân sách trong khi chờ cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

“Việc kiểm tra của cơ quan Hải quan sau thông quan được hiểu là theo quy định. Tuy nhiên, tới thời điểm đoàn kiểm tra làm việc tại PV Oil, các C/O đã được cấp trước đó 17 tháng và đã hết hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hầu như không có khả năng làm việc người xuất khẩu và tổ chức cấp C/O nước xuất khẩu để cấp lại C/O theo đúng quy định được hưởng hoàn thuế”, PV Oil cho biết.

Trong văn bản trước đó gửi lên cơ quan chức năng về vụ việc này, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, trước đây, đầu tháng 12/2015, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 18018/BTC-TCHQ do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký về việc hoàn thuế nhập khẩu với những doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đã xuất trình được C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ) hợp lệ để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Văn bản này yêu cầu: Các trường hợp C/O dạng này mà Hải quan phát hiện có dấu hiệu nghi vấn về tính hợp pháp thì cơ quan Hải quan từ chối hoàn tiền thuế nhập khẩu, gửi toàn bộ hồ sơ liên quan đến lô hàng để Tổng cục Hải quan xác minh nhưng cũng phải thông báo cho doanh nghiệp biết.

Tuy nhiên, thực tế, trước đó, theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cuối năm 2015, Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Hải Phòng đã ra quyết định ấn định thuế, quyết định phạt nộp chậm thuế với 2 công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Hai thành viên của Hiệp hội Xăng dầu này đã tạm nộp theo quyết định của Hải quan Hải Phòng nhưng số tiền "tạm nộp" đó hiện được cho là rất khó để đòi lại.

Trước khi Hiệp hội Xăng dầu lên tiếng, phía cơ quan Hải quan cho biế, việc một số lô hàng xăng dầu nhập về bị ấn định mức thu thuế và phạt do chậm nộp như một số lô hàng nhập từ Singapore về của PV Oil là do các lô hàng này "không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt" do không có sự thống nhất trong việc ghi xuất xứ trên một số ô của C/O cấp cho lô hàng nhập về.

Phương Dung