“Lên trời gọi mưa”: Lộng ngôn, ảo tưởng hay sự viển vông của lòng tốt?

(Dân trí) - “Vỹ cuồng", “hoang tưởng”, “phi thực tế”… là những nhận xét được độc giả Dân Trí thể hiện trong hàng trăm bình luận gửi về đối với kiến nghị xin ứng khẩn 5.000 tỷ đồng của ông Phan Đình Phương, trong khi ông Phương cho biết, ý tưởng đơn thuần xuất phát từ việc thấy người dân khốn khổ vì ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô.

Chỉ là chiêu trò?

Như đã đưa tin, trong văn bản trình lên Thủ tướng và các cơ quan chức năng, ông Phương đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 Bộ để bàn riêng về dự án “Lên trời gọi mưa”. Đồng thời, xin ứng “khẩn” 5.000 tỷ đồng cho việc triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào đầu tháng 10 tới.

Với kế hoạch “giảm mây bay”, “điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc” được đưa ra trong dự án “Lên trời gọi mưa” của công ty ông Phương, độc giả Phamduc đã thốt lên rằng “Việt Nam có ý tưởng tiên phong trên toàn cầu, không biết giống ai không”.

Thay vì tạm ứng 5.000 tỷ đồng cho một dự án chưa rõ khả thi hay không, độc giả cho rằng nên đầu tư đúng mức hơn cho công tác dự báo thời tiết và hạ tầng thoát nước hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập
Thay vì tạm ứng 5.000 tỷ đồng cho một dự án chưa rõ khả thi hay không, độc giả cho rằng nên đầu tư đúng mức hơn cho công tác dự báo thời tiết và hạ tầng thoát nước hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập

Theo độc giả Water Tree thì đây rõ ràng là một kiến nghị “điên rồ” bởi khi mà thiết bị phải nhập ngoại thì các nước phát triển họ cần gì phải để dân chúng phải chịu nắng hạn và lũ lụt.

Thậm chí, độc giả Vy Nguyen nhận định đây chỉ là một “chiêu trò lừa đảo” và “bịp bợm” vì cho rằng nếu Công ty An Sinh Xanh tự cho mình là “siêu nhân có thể điều tiết, điều khiển thời tiết”, “đòi làm cha mẹ của thiên nhiên”, thì quả là “lộng ngôn” khi mà một sự việc bình thường như thông báo cho mọi người dân biết diễn biến thời tiết hàng ngày còn chưa xong.

Sự nghi ngờ của các độc giả chủ yếu đến từ thực tế là ngay cả như cường quốc “nhiều tiền lắm của” và có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản còn hạn hán, ngập lụt, sóng thần… thì nếu làm được, các nước đã làm rồi.


Chủ nhân đề án xin tạm ứng ngay 5000 tỷ đồng để triển khai

Chủ nhân đề án xin tạm ứng ngay 5000 tỷ đồng để triển khai

Nhiều độc giả Sỹ Tuan, Nam, Tây Môn Xuy Tuyết, Truong Minh, Đỗ Văn Phóng… để lại bình luận, hẳn rằng ông Phương muốn trở thành Tôn Ngộ Không hay Gia Cát của Việt Nam chăng mà tham vọng thâu mây đoạt gió.

Không ít độc giả đang sinh sống tại nước ngoài như độc giả Tang Mary cho biết, tại New York (Mỹ), người dân vẫn đang phải hàng giờ hàng phút ngóng tin dự báo thời tiết, chính quyền phải vất vả cảnh báo cho người dân về các sự cố thời tiết thông qua mọi phương tiện thông tin, truyền thông. Có lẽ rằng “Mỹ chưa có công nghệ cao như Việt Nam nên Chính phủ phải làm vậy để bảo vệ dân mình”, vị độc giả hài hước bình luận.

“Đài Loan và Trung Quốc mấy ngày nay không biết đến ông này. Nếu biết họ đã nhờ ông ngăn chặn ngay siêu bão vừa gây tổn thất rất lớn”, độc giả Nam Ngọc dí dỏm khi siêu bão Meranti với sức gió lên tới 370km/h mới đây đổ bộ vào Đài Loan, Trung Quốc khiến người dân địa phương phải sơ tán và gây thiệt hại lớn về người và của trong khi nước này cũng không thể “hô phong hoán vũ”.

Độc giả Duy Lý cảm thán: “Người Việt giỏi thật” khi mà nền kinh tế, khoa học kĩ thuật chưa phát triển... nhưng lại có những dự án mà “các nước phát triển hàng đầu thế giới cũng phải học tập”.

Chỉ khả thi với việc gây mưa ở phạm vi nhỏ

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến ghi nhận mục đích tốt đẹp của người đề xuất dự án và cho rằng, cần nghiêm túc xem xét về dự án này, bởi những ý tưởng của ông Phương không phải là không có căn cứ thực tế.

Theo quan điểm của một độc giả có tài khoản Cười Cả Ngày thì đây là một ý tưởng hay. Và thời chiến tranh, Mỹ đã từng bắn hóa chất lên trời gây mưa để kéo dài mùa mưa trên đường Trường Sơn nhằm cản trở sự tiếp viện từ Bắc vào Nam.

Cho biết, là người nghiên cứu thiên nhiên 40 năm tại Bình Định, độc giả Trần Thị Hồng Anh khẳng định việc tạo ra những cơn mưa hay không cho mưa hoạt động trên nhánh lưu vực từ thiên nhiên dễ như một trò chơi nhưng chắc chắn rằng không thể có máy móc hay phương pháp hóa học nào có thể đẩy những đám mây hội tụ gây mưa từ vùng này đem đến cho một vùng khác gây mưa được.

Vị này phân tích: Thứ nhất, việc hơi nước hội tụ thành những đám mây phải do 2 tâm gây mưa tạo thành: một tâm có nhiệm vụ hút và một tâm sẽ hỗ trợ đẩy nước (mây) đi toàn lưu vực, chính tương tác này sẽ tạo thành trường gió phân phát nguồn nước cho vùng lưu vực đó.

“Bạn phải hiểu rằng thiên nhiên là sức mạnh tổng hợp, việc tạo mưa giúp cho mưa hài hòa tôi thấy rất vất vả bởi chỉ một sơ xuất là hình thành mưa xấu”- độc giả Hồng Anh cho hay.

Thứ hai, nguồn mưa của lưu vực chỉ chi phối nguồn nước cho chính lưu vực đó; bởi thế khi ta đem mây đi từ nhánh lưu vực này cho một nhánh lưu vực khác, hơi nước không đủ no sẽ tan mất, sẽ không gây mưa được. Một nguyên lý trong hình thành mưa, thì 2 tâm gây mưa phải cùng hoạt động nếu chỉ một trong 2 tâm gây mưa đưa nước lên sẽ không gây mưa được. “Bạn phải hiểu rằng hình thành gây mưa là do chính lưu vực chi phối hình thành, và chính nó sẽ bảo vệ nó để tồn tại” – độc giả này lưu ý thêm.

Chiều qua (15/9), trao đổi với phóng viên Dân Trí, một đại diện của Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, thực tế trên thế giới đã từng áp dụng gây mưa nhân tạo tại một số nơi, cho một số sự kiện nhưng phạm vi áp dụng chỉ trong khu vực nhỏ chứ không phải phạm vi toàn quốc như trong đề án mà Công ty An Sinh Xanh đề cập.

“Do đây là một dự án trình lên để xin được triển khai chứ không phải là một đề tài khoa học, nên phải có đánh giá và sự chấp thuận của nhiều bên, Bộ Khoa học Công nghệ mới chỉ hướng dẫn công ty làm việc với các cơ quan phụ trách các lĩnh vực liên quan chứ chưa thể đánh giá, bình luận gì thêm về tính khả thi của dự án này”, vị đại diện Bộ KHCN cho hay.

Bản thân ông Phương trong cuộc trao đổi với báo chí ngày hôm qua, ông này chia sẻ: ý tưởng của dự án xuất phát từ việc ông thấy người dân khốn khổ khi ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô. “Sau một đêm trăn trở, suy nghĩ, tôi quyết định bắt mây phải mưa để người dân có nước chống hạn từ việc vận dụng kiến thức phun nước ở cầu Rồng”, ông chủ An Sinh Xanh nói.

Đưa ra những luận cứ khoa học để làm điểm tựa cho ý tưởng của mình, ông Phương tự tin, dự án này sẽ thành công 100%.

Tuy nhiên, theo độc giả Lê Văn Lợi, đề xuất của ông Phương chưa chi tiết và chưa ổn. Cần mời các chuyên gia kinh tế, các công ty độc lập nước ngoài thẩm định dự án và phải làm rõ được trách nhiệm của người phụ trách từng bộ phận hay toàn bộ dự án này.


Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng gửi các Bộ về đề xuất trên

Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng gửi các Bộ về đề xuất trên

Trước khi "lên trời" hãy lo xong dưới đất

Về đề xuất xin ứng trước “khẩn cấp” khoản tiền khổng lồ lên tới 5.000 tỷ đồng chỉ trong chưa đầy 1 tháng tới của Công ty An Sinh Xanh, độc giả Trần Cường bày tỏ ngạc nhiên “ngân sách hình như dễ xin lắm nên toàn xin cái vớ vẩn, không thực tế”, trong khi ở Việt Nam “con ốc còn làm không xong” huống chi là “hô phong hoán vũ”.

Độc giả Đỗ Hữu Diên không khỏi ngạc nhiên bởi trong lúc nợ công đang vượt kế hoạch thì vì sao ông Phương lại có thể “tham mưu” mà gần như thúc ép Chính phủ một khoản tiền tới 5.000 tỷ đồng tạm ứng cho một dự án chưa từng được nước nào áp dụng để có thể “lên trời gọi mưa” một cách dễ dàng.

Cũng có độc giả vui tính đồng ý tạm ứng nhưng chỉ mức “50 nghìn ăn sáng” đối với một ý tưởng có dụng ý tốt. Theo độc giả Sỹ Tuan, cứ tạm ứng 5.000 tỷ đồng cho ông Phương nếu ai đó có tiền, còn mang tiền của dân ra ứng thì phải xem ý người dân thế nào. Hơn nữa, hết 5.000 tỷ tạm ứng này, rồi còn bao nhiêu nghìn tỷ tiếp theo mới đưa ý tưởng trên hiện thực?

Độc giả Hoa Tran thì hào phóng khi cho biết, nếu ông Phương điều tiết được thì nhân dân sẽ biếu không ông 1.000 tỷ đồng, còn độc giả Thuc Hoang cho rằng, “mỗi năm nên trả cho ông Phương 10.000 tỷ” nhưng với điều kiện ông Phương phải chứng minh mình làm được, bởi đây là tiền của dân, mà nếu dự án thành hiện thực thì dân sẽ được nhờ lắm.

Góp ý về đề xuất này, độc giả Dat cho rằng, “mưa gió bão là việc của trời, nên thuận theo tự nhiên” và nếu có đầu tư thì nên đầu tư vào hệ thống cảnh báo cho chính xác hơn, đầu tư vào quy hoạch đô thị, hệ thống tiêu thoát nước tốt hơn. “Những cái dưới đất còn chưa làm được hẳn hoi mà đã lo lên trời”, theo vị độc giả này, là việc làm “vô nghĩa, không có tầm nhìn”.

Với giả định Chính phủ đồng ý cho Công ty An Sinh Xanh tạm ứng 5.000 tỷ đồng như đề xuất của ông Phương, độc giả Manhhung và Hoàng Mạnh Hùng coi đây là một hình thức “làm giàu không khó”, “làm giàu quá dễ”.

Trong hàng trăm bình luận gửi về Dân trí, cũng có người đã góp ý cho ông Phương rằng, có thể bán luôn ý tưởng dự án cho những quốc gia nhiều tiền như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, sẽ “dư tiền để xài”. Theo độc giả Nguyen Huu Han, với bước đột phá mạnh mẽ, nếu đề án thực sự hiệu quả và bán cho các nước phát triển thì sẽ lãi ròng hàng ngàn tỷ!

Bích Diệp