1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lên sàn với hơn 1.700 tỷ đồng lỗ lũy kế, Đạm Hà Bắc bị "quay lưng"

(Dân trí) - Trong khi giao dịch trên thị trường sôi động, các chỉ số tăng mạnh thì phiên ra mắt của cổ phiếu Đạm Hà Bắc (mã chứng khoán DHB) trên sàn UPCoM tẻ nhạt đến nỗi không hề diễn ra bất cứ hoạt động mua - bán nào. Đây là doanh nghiệp nằm trong danh sách 12 dự án "nghìn tỷ" thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương.

Lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng vào cuối năm 2016, Đạm Hà Bắc tiếp tục lên kế hoạch thua lỗ vào 2017.
Lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng vào cuối năm 2016, Đạm Hà Bắc tiếp tục lên kế hoạch thua lỗ vào 2017.

Từ hôm nay (26/7), 272,2 triệu cổ phiếu của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã chứng khoán DHB) đã chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với tổng giá trị đăng ký giao dịch lên tới 2.722 tỷ đồng.

Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 6.800 đồng/cổ phiếu (dưới mức mệnh giá), thế nhưng, trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu DHB lại chỉ nhận được sự hờ hững và lạnh nhạt của giới đầu tư. Không hề có một giao dịch nào diễn ra tại mã này trong toàn phiên hôm nay.

Trong khi đó, giao dịch trên thị trường lại rất sôi động và lạc quan. Chỉ số VN-Index tăng 6,61 điểm tương ứng 0,86% lên 773,88 điểm. HNX-Index tăng 1,62 điểm tương ứng 1,65% lên 99,43 điểm. Chỉ số sàn UPCoM cũng tăng 0,44 điểm tương ứng 0,79%.

Khối lượng giao dịch trên sàn TPHCM (HSX) đạt trên 205 triệu đơn vị tương ứng hơn 3.600 tỷ đồng, còn tại sàn HNX cũng có gần 73 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng tương ứng giá trị giao dịch hơn 708 tỷ đồng. Trên sàn UPCoM, khối lượng giao dịch đạt gần 4,5 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 87 tỷ đồng.

Lên sàn nhưng cổ phiếu DHB đã ế ngay trong phiên giao dịch đầu tiên (nguồn: SSI)
Lên sàn nhưng cổ phiếu DHB đã "ế" ngay trong phiên giao dịch đầu tiên (nguồn: SSI)

Đạm Hà Bắc tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960, do Bộ Công Thương (trước đây là Bộ Công nghiệp Nặng) trực tiếp quản lý. Đây là nhà máy sản xuất phân đạm đầu tiên của Việt Nam.

Năm 2016, Đạm Hà Bắc chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 2.722 tỷ đồng, trong đó Vinachem nắm giữ 97,66% vốn cổ phần.

Hoạt động kinh doanh chính của Đạm Hà Bắc là sản xuất phân đạm urê dùng làm phân bón cho cây trồng hoặc làm nguyên liệu sản xuất một số sản phẩm hóa chất khác. Đây là sản phẩm chiếm hơn 80% tổng doanh thu của Đạm Hà Bắc.

Bên cạnh đó, công ty này hiện còn đang sản xuất Amoniac (NH3) dạng lỏng nguyên chất 99,9% và dạng dung dịch với các nồng độ khác nhau từ 20-30%. Sản phẩm được dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón, trong công nghệ lạnh, công nghiệp hóa chất và cũng được người tiêu dùng đánh giá cao, khẳng định uy tín trên thị trường trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Đạm Hà Bắc lại liên tục thua lỗ, đưa doanh nghiệp này vào danh sách 12 đại dự án kém hiệu quả của ngành công thương.

Theo đó, năm 2015, công ty này ghi nhận lỗ 679,7 tỷ đồng. Con số lỗ tiếp tục tăng lên 1.040 tỷ đồng vào năm 2016 và trong kế hoạch kinh doanh của năm 2017 này, Đạm Hà Bắc tiếp tục dự kiến lỗ 847,3 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, đơn vị kiểm toán lưu ý, tại thời điểm 31/12/2016, nợ ngắn hạn của Đạm Hà Bắc đã ở mức 1.356,7 tỷ đồng, vượt qua giá trị tài sản ngắn hạn là 557,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lên tới 1.720,8 tỷ đồng.

Với "hồ sơ" không mấy sáng sủa, dễ dàng lý giải về sự quay lưng của giới đầu tư với cổ phiếu DHB - “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, ngay trong phiên giao dịch chào sàn.

Bích Diệp