Lên kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid – 19
(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký văn bản số 1455 về kế hoạch thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch Covid – 19 đến hết ngày 31/12/2020.
Nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thành phố nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định kinh tế thành phố và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, UBND TPHCM tiến hành thực hiện kế hoạch hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong và sau dịch Covid – 19.
Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu các Sở, ngành, quận – huyện phải theo dõi nắm bắt sát tình hình hoạt động khó khăn của doanh nghiệp để đề xuất giải quyết cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Cụ thể, TPHCM sẽ triển khai 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Đầu tiên, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Các Sở, ban ngành cùng UBND 24 quận – huyện tham mưu, rà soát, khỏa sát nhu cầu cần được hỗ trợ của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn.
Xây dựng các bộ tiêu chí xếp hạng ưu tiên hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tổ chức hướng dẫn thực hiện đối với từng ngành, lĩnh vực do các Sở, ngành phụ trách.
Trực tiếp đẩy mạnh các biện pháp giảm các thủ tục hành chính để hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Trong đó, có các thủ tục về hải quan để duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ hai, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp (đang sản xuất và tạm ngưng sản xuất) và chi phí sinh hoạt cho người dân. Trong đó, gồm hỗ trợ chi phí điện; chi phí về nước; chính sách về thuế; chính sách về tiền thuê đất; chính sách về bảo hiểm xã hội và cải cách thủ tục hành chính…
Đối với người lao động, thành phố giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý khu công nghệ cao, UBND các quận – huyện… đánh giá, hướng dẫn hỗ trợ người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thứ ba, hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh. UBND thành phố giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho lãnh đạo thành phố để sửa đổi, bổ sung quyết định số 50 ngày 30/10/2015 về thực hiện chương trình kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ…
Bên cạnh đó, Sở Công thương sớm báo cáo UBND thành phố về việc bổ sung danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng được hỗ trợ lãi vay tham gia chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp theo nghị quyết số 16 ngày 8/10/2018.
Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid – 19.
Theo đó, lãnh đạo thành phố giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM làm việc với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn để thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
NHNN phối hợp với Sở Công thương xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2020 với chủ đề “Hỗ trợ doanh nghiệp về vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid – 19”.
Sở Công thương cũng có trách nhiệm tham mưu cho UBND TPHCM các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đề xuất nhóm mặt hàng và thị trường cụ thể cần thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2020.
Sở Du lịch tham mưu xây dựng bộ tiêu chí và chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng chất lượng các sản phẩm du lịc hiện tại sau dịch. Sở Giao thông vận tải nghiên cứu các chính sách để giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp vận tải, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
UBND của 24 quận – huyện chịu trách nhiệm rà soát và chủ động hỗ trợ các hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn có giải pháp giảm rủi ro để được tái sản xuất kinh doanh theo bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm vi rút tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, thực hiện khảo sát và giải quyết chính sách cho người lao động gặp khó khăn do phải nghỉ việc từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, thành phố và Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Quế Sơn