DMagazine

"Lên báo mà mua nhiều xăng" và dấu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Trong đó nêu rõ, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành.

NỖI KHỔ XĂNG DẦU: AI NÓI ĐỦ CHỨ NHIỀU NƠI VẪN THIẾU

Giờ tan tầm chiều 18/2, anh Tài (27 tuổi) tạt vào cây xăng trên đường Hà Huy Giáp (quận 12, TPHCM) thì bất ngờ thấy vắng tanh, trơ trọi chiếc biển treo "hết xăng". Bình đã chạm đáy, anh Tài thất thểu tìm kiếm cây xăng khác với hy vọng không phải dắt bộ. Bao nhiêu người khác cũng phải ngậm ngùi "quay xe" như anh.

Chủ cây xăng cho biết "cực chẳng đã" hết hàng nên tạm ngưng bán, cơ quan chức năng cũng đã đến kiểm tra. "Vẫn chưa biết khi nào mới có hàng", chủ cây xăng trên đường Hà Huy Giáp nói.

Trong khi đó, một số cửa hàng khác, theo ghi nhận của Dân trí, có tình trạng hết xăng còn dầu. Tại cây xăng trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), chỉ có 2 trụ bơm hoạt động, 3 trụ còn lại được bọc kín bằng tấm bạt.

Một số cây xăng thiếu hàng ở TPHCM

Một số phản ánh khác trên báo chí cho thấy có hiện tượng bán định mức, tức chỉ bán 30.000 đồng cho mỗi xe. Một cây xăng ở quận Tân Bình, TPHCM được báo chí phản ánh chỉ bán tối đa 50.000 đồng. Khi được hỏi vì sao "kỳ" vậy bởi "thấy báo nói xăng nhiều lắm" thì được người bán trả lời: "Xăng nhiều là báo nói chớ cây xăng đâu có nói". Thực tế bán nhỏ giọt hoặc đến thấy cây xăng đóng cửa khiến nhiều người tiêu dùng bất tiện.

Bộ Công Thương liên tục khẳng định sẽ bảo đảm việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Tuy nhiên, việc để xảy ra cảnh đóng cửa nghỉ bán, bán nhỏ giọt tái diễn thì nhiều chuyên gia cho rằng cần xem lại hiệu quả, hiệu lực quản lý của Bộ này. 

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, Bộ Công Thương là cơ quan có trách nhiệm toàn diện trong lĩnh vực xăng dầu từ việc đảm bảo nguồn cung ra thị trường đến phân phối, tiêu thụ... Bộ được giao thẩm quyền, trách nhiệm rất cao trong lĩnh vực này nhưng theo ông Phong, nhìn vào thực tế thời gian qua dường như họ chưa sử dụng hết thẩm quyền nên xảy ra việc nguồn cung không đảm bảo như phản ánh.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, Bộ đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng với các phương án cả trong nước và nhập khẩu nhưng tình trạng thiếu cục bộ vẫn chưa cải thiện, diễn ra nhiều ngày.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng Bộ có hai động thái rốt ráo khi xảy ra những bất cập trên thị trường xăng dầu vừa qua, đó là thúc đẩy tăng công suất các nhà máy lọc hóa dầu, tăng kiểm tra thanh tra để làm rõ dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, theo ông Phong, vấn đề đặt ra là tình trạng thiếu cục bộ, đóng cửa, tạm ngưng, bán nhỏ giọt vẫn tái diễn, cũng chưa thấy phát hiện găm hàng thì điều này cần xem lại hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Lên báo mà mua nhiều xăng và dấu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương - 1
Lên báo mà mua nhiều xăng và dấu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương - 2

Vẫn có cây xăng ở TPHCM thiếu hàng (Ảnh: Phương Nhi)

TRỌNG TRÁCH LỚN NHẤT LÀ PHẢI ĐẢM BẢO ĐƯỢC NGUỒN CUNG

Ông Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - nói với Dân trí, giống như ngành điện, quản lý xăng dầu quan trọng nhất vẫn là đảm bảo đủ nguồn cung, không để thị trường thiếu hụt. Còn chuyện tăng giá là câu chuyện "tính tiếp". Việc để thiếu hụt ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân, doanh nghiệp, xã hội. Nhà nước đã giao cho Bộ Công Thương công cụ, chính sách để quản lý thị trường, đảm bảo thông suốt sản xuất, nguồn cung, phân phối thì trách nhiệm của Bộ rất lớn, theo ông Ánh.

Ông Ánh nhấn mạnh thêm, thị trường xăng dầu được quản lý, điều hành theo nghị định riêng, nên việc có hiện tượng bất thường trên thị trường, thiếu xăng cục bộ, một số cửa hàng phải đóng cửa là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, mà ở đây là Bộ Công Thương.

Vị chuyên gia cũng cho rằng việc tăng cường thanh kiểm tra là cần thiết. Cần thiết phải có sự can thiệp ngay lập tức của cơ quan quản lý Nhà nước để chấm dứt tình trạng găm hàng song trước việc này diễn ra cũng cần có thời gian. Việc cần làm ngay khi để xảy ra tình trạng thiếu xăng ở một số cửa hàng đó là cung ứng đủ nguồn cung, tránh ảnh hưởng đến người dân.

Xuyên suốt hiện tượng bất cập trên thị trường xăng dầu vừa qua, ông Ánh nhấn mạnh không nằm hoàn toàn ở câu chuyện giá cả mà là "trục trặc" trong vấn đề nguồn cung. Cần rà soát, xem xét lại những vấn đề liên quan tới tình hình cung ứng thị trường xăng dầu thời gian qua.

Trong khi đó, ông Bùi Quang Bảo - quyền Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu - cho rằng bản chất khi kinh doanh mà càng bán càng lỗ thì ai cũng vậy, sẽ kém "nhiệt tình". Ông bảo cũng chỉ ra vấn đề về dự trữ của doanh nghiệp xăng dầu vừa qua.

Theo Nghị định mới thì dự trữ bắt buộc 20 ngày, do rơi vào dịp Tết nhu cầu đẩy lên cao nên doanh nghiệp phải cấp tập nhập, giá mới quá cao. Trong khi đó nguồn cung trong nước lại bị ảnh hưởng từ phía Nghi Sơn nên doanh nghiệp phải đẩy mạnh nhập khẩu. Nếu bình thường lượng dự trữ kéo dài, hàng tồn kho còn thì sẽ không lỗ đến mức như thế, ông Bảo nói.

Vị này cũng cho rằng thực tế tất cả những công cụ điều hành không phải lúc nào cũng "chạy" theo kịp thị trường. Về giá, chúng ta vẫn phải điều hành tuân thủ theo Nghị định 95, tiệm cận theo cơ chế thị trường.

Lên báo mà mua nhiều xăng và dấu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương - 3

LO CẢNH LẶP ĐI LẶP LẠI 

Nỗi lo lắng giá cao, nguồn hàng tiếp tục khan hiếm trên thị trường lại ngày một nhiều hơn khi tiến sát đến kỳ điều hành ngày 21/2. Tại kỳ điều hành này, nhiều dự báo cho thấy giá xăng dầu lại tiếp tục tăng mạnh, mức tăng có thể vẫn khoảng 1.000 đồng/lít.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho biết, rất nhiều dự báo giá xăng dầu, năng lượng vẫn tiếp tục xu hướng đi lên trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh do sự phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như do căng thẳng địa chính trị tại nhiều điểm nóng trên thế giới. Công tác điều hành chủ động, linh hoạt, bám sát thị trường sẽ giảm bớt những khó khăn tương tự như chúng ta đang gặp phải trên thị trường hiện nay. Doanh nghiệp cũng không nên là đối tượng phải gánh chịu những thiệt hại do sự vận hành chưa thông suốt của thị trường vì lỗ kéo dài thì doanh nghiệp cũng không thể hoạt động bền vững và thị trường cũng thiếu bền vững.

Bàn về giải pháp trong bối cảnh thị trường rối ren như hiện nay, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước mặt hàng này cần "làm hết sức mình, làm đúng, làm đủ", tăng vấn đề trách nhiệm, tăng cơ chế thị trường, cạnh tranh hơn. Theo đó, nếu cần có thể mở rộng cấp phép cho những doanh nghiệp có thể làm được, không để tình trạng "thích thì bán, không thích thì thôi" bởi xăng thế giới đâu có thiếu.

Ông Phong cũng nhấn mạnh cần thực hiện tốt hơn nữa việc thúc đẩy nguồn cung trong nước. "Xăng xuống giá thì dư thừa, xăng lên giá thì lại thiếu, lại giảm công suất, vô lý, bất cập", ông Phong nói. Ngoài ra, thực hiện các giải pháp về tăng kiểm tra, thanh tra, làm rõ trách nhiệm các khâu. Trong đó, cần làm rõ việc những đầu mối không đủ cung cấp đã làm đúng quy định dự trữ bắt buộc 20 ngày chưa… Để bình ổn thị trường, vị chuyên gia cho rằng, không nên để xảy ra cảnh trên bảo không thiếu hàng, dưới đại lý lại bảo không có hàng.

Lên báo mà mua nhiều xăng và dấu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương - 4

"BỘ CÔNG THƯƠNG CHỊU TRÁCH NHIỆM TOÀN DIỆN VỀ KẾT QUẢ ĐIỀU HÀNH GIÁ XĂNG DẦU"

Trước tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến người dân, tại kết luận được ban hành ngày 10/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh đây là thuộc trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương.

Theo Phó Thủ tướng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm dễ ảnh hưởng tới tâm lý người dân và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô do đó cần phải được quản lý, điều tiết khoa học, chặt chẽ.

Chính phủ ban hành các công cụ, cơ chế chính sách quản lý pháp luật và giao Bộ Công Thương thẩm quyền chủ động, điều hành, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình sát sao hơn để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống.

Hôm 18/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động điều hành giá xăng dầu, trong đó cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.

Văn bản này cũng nêu, cơ quan điều hành cần "chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật". Ngoài ra, Bộ Công Thương cần chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng dầu để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Nội dung: Nhóm phóng viên
Ảnh: Mạnh Quân, Phương Nhi, Văn Hưng