LDG nợ bao nhiêu tiền trước khi bị mở thủ tục phá sản?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - LDG vay nợ tài chính gần 1.328 tỷ đồng, trong đó 366 tỷ đồng nợ trái phiếu đến hạn trả. Công ty cho biết đã có văn bản đề nghị xem xét lại và hủy quyết định mở thủ tục phá sản.

Đề nghị xem xét lại và hủy quyết định mở thủ tục phá sản

Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) vừa bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định mở thủ tục phá sản. Trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày ban hành quyết định), chủ nợ phải liên hệ với TAND tỉnh Đồng Nai để biết quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nhằm gửi giấy đòi nợ. Sau khi hết thời hạn này, các chủ nợ không gửi giấy đòi nợ đến tòa án thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ.

Công ty cho biết vụ việc liên quan đến khoản nợ chưa thống nhất với Công ty Phúc Thuận Phát. Theo đó, Công ty LDG đã ký kết các hợp đồng với Công ty Phúc Thuận Phát để thực hiện thi công một số hạng mục công trình tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh (Đồng Nai).

Trong quá trình thực hiện, dự án đã gặp phải vướng mắc về thủ tục pháp lý đầu tư dự án. Đến thời điểm hiện tại, các vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ, ảnh hưởng đến quá trình triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Trong bối cảnh đó, LDG cho biết đã thực hiện thanh toán cho công ty Phúc Thuận Phát 95% giá trị quyết toán của các hợp đồng. Tuy nhiên, 2 công ty này vẫn còn một số khoản nợ tồn đọng chưa được hoàn tất.

LDG nợ bao nhiêu tiền trước khi bị mở thủ tục phá sản? - 1

Khu dân cư Tân Thịnh, dự án xảy ra vướng mắc pháp lý ảnh hưởng quá trình thanh toán giữa LDG và đối tác (Ảnh minh họa: Kim Ngọc).

Công ty LDG nói thêm đã nhiều lần làm việc với Công ty Phúc Thuận Phát về giá trị công nợ còn tồn đọng và gia hạn tiến độ thanh toán nhưng phía Phúc Thuận Phát vẫn chưa thống nhất được nội dung này. Do đó, Công ty Phúc Thuận Phát đã yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản.

LDG đã có văn bản trình bày gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai và Tòa án nhân dân Cấp cao tại TPHCM, đề nghị xem xét lại và hủy quyết định mở thủ tục phá sản.

Ngoài ra, với tinh thần hợp tác và mong muốn giải quyết vấn đề, LDG vẫn đang tiếp tục trao đổi, đàm phán với Công ty Phúc Thuận Phát để thống nhất nội dung và phương án liên quan đến khoản nợ tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh.

Công ty LDG khẳng định không mất khả năng thanh toán và vẫn đang đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Công ty đã và đang tiếp tục nỗ lực đàm phán, trao đổi để thống nhất với các đối tác nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả các bên có liên quan.

Hệ số nợ vay thấp, có hơn 366 tỷ đồng nợ trái phiếu đến hạn trả

Theo báo cáo tài chính mới nhất được công bố, tại ngày 30/3, LDG vay nợ tài chính gần 1.328 tỷ đồng, tương đương đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,51 lần.

Trong đó, công ty vay nợ tài chính ngắn hạn hơn 1.078 tỷ đồng và vay dài hạn hơn 940 tỷ đồng.

LDG nợ bao nhiêu tiền trước khi bị mở thủ tục phá sản? - 2

Hình ảnh dự án khu dân cư Tân Thịnh vào tháng 5/2024 (Ảnh: Phước Tuần).

Chủ nợ lớn nhất của LDG là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với tổng số tiền nợ 997 tỷ đồng, chiếm 75% tổng nợ. Trong đó, LDG có 300 tỷ đồng tại Sacombank là khoản vay dài hạn đến hạn trả, có 147 tỷ đồng vay ngắn hạn và gần 550 tỷ đồng vay dài hạn.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á cũng là chủ nợ của LDG, với số nợ lần lượt hơn 199 tỷ đồng và 65 tỷ đồng.

LDG có phát sinh nợ trái phiếu với số tiền hơn 366 tỷ đồng, đến hạn trả. Cụ thể, mã trái phiếu LDGH2123002 có tổng giá trị phát hành 400 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn ngày 10/12/2023. Lãi suất trái phiếu 11,5%/năm trong năm đầu tiên, 12%/năm cho năm tiếp theo. Ngày 12/12/2022, LDG đã mua lại 33,6 tỷ đồng trái phiếu này và còn phát sinh dư nợ 366,4 tỷ đồng. Nếu chiếu theo thời hạn đáo hạn thì lô trái phiếu này đang chậm trả.

Quỹ đất dự án lớn

Theo báo cáo của LDG với cổ đông, công ty đang thực hiện 11 dự án lớn ở nhiều địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh với diện tích ước tính khoảng 600ha.

Hai dự án phức hợp giải trí đa chức năng lớn nhất gồm LDG Grand Hạ Long (Quảng Ninh, 419ha), LDG Grand Đà Nẵng (Đà Nẵng, 29ha).

Một số dự án lớn khác là khu đô thị cũng đang được thực hiện thủ tục pháp lý để sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng như The Viva City (Đồng Nai, gần 92ha) hay thực hiện pháp lý để triển khai xây dựng như Viva Park (hơn 18ha, Đồng Nai).

LDG nợ bao nhiêu tiền trước khi bị mở thủ tục phá sản? - 3

Các căn biệt thự trong dự án 680 biệt thự sai phép của LDG tại Đồng Nai xuống cấp (Ảnh: Phước Tuần).

Một số dự án đã nằm trong kế hoạch triển khai nhiều năm nhưng chưa thể thực hiện thì được công ty định hướng hợp tác đầu tư, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần như High Intela (quận 8, TPHCM, diện tích 7.800m2), West Intela (quận 8, TPHCM, diện tích 2.900m2), LDG Sky (Bình Dương, diện tích 1,8ha)...

Một trong những dự án trước đây thuộc kế hoạch chiến lược của LDG là  Khu du lịch Bãi Bụt - Sơn Trà (LDG Grand Miền Trung) không còn xuất hiện trong danh sách quỹ đất công ty. Hồi đầu năm nay, HĐQT có chủ trương tái cơ cấu tài sản, dự án, trong đó sẽ chuyển nhượng dự án này cùng khu chung cư lô C1 tại phường Bình An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương và các tài sản, dự án khác.

Trong thông tin mới nhất, LDG cho biết đang sở hữu một số dự án do công ty làm chủ đầu tư và đang tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng để cùng hợp tác và phát triển. Mục đích nhằm tạo ra nguồn tài chính cho việc duy trì hoạt động, phát triển của công ty, đảm bảo các nghĩa vụ tài chính và quyền lợi của các khách hàng, đối tác, cổ đông và các bên liên quan.