1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lập đoàn kiểm tra, xác minh vụ hoá đơn tiền điện tăng cao bất thường

(Dân trí) - EVN cho biết đã tổ chức đoàn với sự tham gia của các đơn vị Bộ Công Thương, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng để kiểm tra, xác minh việc hoá đơn tiền điện tăng mạnh.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục đưa tin về việc hóa đơn tiền điện tăng cao trong các tháng 5 và tháng 6 năm 2020.

Theo số liệu thống kê mới nhất đến ngày 20/6, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020).

Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.

Lập đoàn kiểm tra, xác minh vụ hoá đơn tiền điện tăng cao bất thường  - 1

Nhiều khách hàng cũng cảm thấy bất ngờ khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6.

EVN cho biết, dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020.

Cũng theo EVN, riêng đối với điều hòa nhiệt độ, các chuyên gia kỹ thuật đã chỉ ra rằng khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 đến 3%.

"Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 50C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Do đó, mặc dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều" - EVN cho biết.

Bên cạnh đó, EVN cho rằng còn một số nguyên nhân khác như việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt làm cho lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%.

Đối với với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ việc sử dụng điện tăng lên đột biến và kèm theo đó chi phí sử dụng điện cũng tăng theo.

Trước phản ánh của người dân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN cũng cho biết đã tổ chức Đoàn công tác với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng để kiểm tra, xác minh việc hoá đơn tiền điện tăng trong thời gian qua.

“Bất kỳ phản ánh nào của khách hàng về việc tiền điện tăng cao được phản ánh trực tiếp về các tổng đài chăm sóc khách hàng của 5 tổng công ty điện lực, các đơn vị điện lực sẽ phải thực hiện việc giải đáp trong vòng 24h” - EVN khẳng định.

Trước đó, phản ánh tới Dân trí, nhiều khách hàng cũng cảm thấy bất ngờ khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6. Thậm chí, có những hoá đơn tiền điện tháng 6 của một số gia đình phản ánh tới Dân trí tăng gấp 4 hoặc 5 lần, dù vẫn đang trong thời gian được hỗ trợ vì Covid-19.

Ngày 23/6, EVN cho biết đã tiếp nhận phản ánh về các trường hợp ghi sai chỉ số công tơ điện tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh…

Liên quan đến các vụ việc này, EVN đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm Giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số.

EVN cũng yêu cầu việc thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hoá đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định (có thông báo cụ thể và biên bản làm việc với khách hàng).

Trao đổi với Dân trí, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần một bên thứ ba độc lập đứng ra phân xử để đảm bảo khách quan. “Đến hẹn lại lên, năm nào thời điểm này cũng vậy. Một bên mua, một bên bán, ai cũng nghĩ mình đúng, người đứng ngoài cuộc không thể “bênh” ai mà cần cơ quan phân xử cho công tâm, minh bạch”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nêu vấn đề.

Về cơ quan độc lập đứng ra phân xử những nghi ngờ về hoá đơn tiền điện, ông Ánh cho rằng, có thể mời Hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc không cơ quan quản lý Nhà nước như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng. Thậm chí, theo ông Ánh, nếu khách hàng bức xúc cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm có thể kiện bên bán điện ra toà.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm