Hậu Giang:
Lão nông thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ cây bạc hà (dọc mùng)
(Dân trí) - Hiện nay, nhiều nông dân rất nhạy bén với cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn như ông Đoàn Văn Dân ở ấp Mỹ Thuận I, xã Phụng Hiệp, (Phụng Hiệp, Hậu Giang) có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ việc trồng bạc hà (dọc mùng).
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Sau 4 tháng trồng và chăm sóc, ruộng bạc hà (giống cây Dọc Mùng ở miền Bắc) của ông Dân bắt đầu cho thụ hoạch, bán với giá cao và đầu ra ổn định. Thấy rằng trồng bạc hà có lãi cao nên ông Dân quyết định mở rộng thêm 5 công đất nữa. Đầu từ chi phí cho loại cây trồng này không nhiều, với 10 công bạc hà, chi phí bỏ ra ban đầu chưa đến 3 triệu đồng từ việc mua con giống (với giá 500đồng/cây bạc hà con). Khi cây trưởng thành, sau mỗi đợt thu hoạch, ông Dân chỉ rải thêm phân DAP và urê (trung bình một tháng từ 1- 2 bao phân) để cây phát triển, ngoài ra không tốn thêm chi phí nào.
Đang thu hoạch vườn bạc hà xanh tốt, ông Dân nói: “Chuối cau là cây thích hợp nhất vì tàu lá nhỏ và dựng đứng, ánh nắng có thể rải xuống đều khắp trên mặt đất nên cây bạc hà không sợ thiếu ánh sáng. Bạc hà là loại cây thân thảo, đa niên nhờ có củ và căn hành ngầm dưới đất, khi trưởng thành cây phát triển thành bụi, thân xốp, mọng nước, cọng dùng nấu canh, xào hoặc làm gỏi rất ngon nên thị trường ưa chuộng”.
Được biết, cây bạc hà thích hợp với nhiều loại đất và có thể sống chung với chuối, cam mà năng suất vẫn cao. Nhưng theo kinh nghiệm của ông Dân, ông chia sẻ: “Tốt nhất là trồng chuối cau, một loại chuối thân nhỏ, tàu lá thẳng đứng, ít bóng râm, không làm ảnh hường đến đến sự phát triển của cây bạc hà lại cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với chuối xiêm”.
Tuy nhiên, muốn cho cây chuối phát triển mạnh, đạt hiệu quả cao người trồng phải biết chăm sóc từ lúc mới xuống giống cho tới lúc thu hoạch. Trước khi trồng, đất phải được cày xới cho tơi ra và lên liếp bằng phẳng để dễ rút nước. Luống trồng rộng khoảng 1, 2m và cao 20 – 25 cm. Đất trồng thích hợp nhất là cát pha, thịt nhẹ, cần nhất là nhiều mùn, rơm trấu mục.
Bạc hà trồng mau ăn, từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 4 tháng. Mỗi tháng cho thu hoạch 2 lần. Bạc hà cắt xong được buộc lại thành bó 5 kg, thu hoạch từ sáng sớm đến trưa rồi bó lại để cân cho bạn hàng với giá bán từ 4.000 đ – 6.000 đ/kg. Với 10 công bạc hà đang cho thu hoạch, mỗi đợt cắt từ 3,5 – 4 tấn/lần, trừ chi phí mỗi tháng lãi trên 30 triệu đồng.
Theo ông Dân, bạc hà năng suất thu hoạch sẽ tăng dần theo thời gian cho đến hơn 1 năm mới chững lại. Với 10 công đất trồng bạc hà mà chỉ cần mình ông làm, việc chăm sóc bạc hà rất nhàn hạ. Sau mỗi tháng thu hoạch bạc hà ông Dân bón phân DAP và urê để cho cây mau phát triển, cọng to và mập.
Nói về kinh nghiệm trồng bạc hà, ông Dân chia sẻ: “Cây bạc hà thích hợp với mùa mưa hơn mùa nắng nên thời điểm xuống giống tốt nhất là đầu tháng 4 âm lịch. Lúc trồng nên bón lót phân chuồng và vôi. Trước khi trồng nên cày xới đất, sau đó đào rãnh sâu khoảng 10 – 15 cm, sau đó trồng cây con và lấp đất lại. Khoảng cách 0,5 m/cây. Giai đoạn đầu nên tưới nước thường xuyên để giúp cây mau sinh trưởng và phát triển”.
Ngoài thu nhập từ bạc hà, với việc trồng xen chuối cau, sau 6 – 7 tháng đã cho thu hoạch với giá bán luôn ở mức từ 6.000 – 7.000 đ/kg, mỗi tháng thu nhập thêm vài triệu đồng nữa. Ngoài ra, ông Dân còn tận dụng diện tích mương để nuôi cá đồng. Sau một năm thu hoạch cá bán với giá 20.000 – 35.000 đồng/kg có nguồn thu nhập trên 20 triệu đồng. Tính ra mỗi năm với 10 công đất vừa trồng bạc hà, trồng chuối, nuôi cá đem lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng cho gia đình ông Dân.
Giờ đây, mô hình trồng bạc hà của lão nông dân này đang cho hiệu quả nên một số nhà vườn đến học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống, với giá 500 đ/cây để trồng thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả. Đây cũng được xem là loại cây trồng hiệu quả giúp nhiều hộ nông dân có nguồn thu nhập cao và mở hướng làm giàu ở địa phương.