1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lãnh đạo tập đoàn: Nhận lương "khủng" nếu làm ăn hiệu quả

(Dân trí) - Dự thảo Nghị định về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với một số chức danh lãnh đạo các Cty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng dự kiến mức cao nhất cho Chủ tịch HĐTV tập đoàn là 36 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, đối tượng áp dụng của Nghị định này là thành viên Hội đồng thành viên (hoặc chủ tịch công ty), kiểm soát viên chuyên trách, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc chủ tịch công ty), kiểm soát viên không chuyên trách (gọi tắt là viên chức quản lý); Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng (trừ Tổng giám đốc, hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng, gọi tắt là viên chức điều hành).

Theo nội dung dự thảo, tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách, viên chức điều hành theo chức danh đảm nhận, được xác định theo năm và tạm ứng hàng tháng nhưng không vượt quá 80% tiền lương bình quân kế hoạch. Cuối năm được thanh toán tiền lương theo mức độ hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kết quả đánh giá về quản lý, điều hành công ty đối với từng viên chức quản lý, điều hành.
 
Lương lãnh đạo tập đoàn dự kiến tối đa 36 triệu đồng/tháng
Mức lương, thưởng "khủng" của lãnh đạo các tập đoàn, TCty nhà nước thời gian qua được dư luận đặc biệt quan tâm.

Viên chức quản lý chuyên trách, viên chức điều hành được cử làm đại diện phần vốn góp của công ty tại nhiều doanh nghiệp khác thì các khoản thù lao phải nộp về công ty và được chi trả căn cứ vào kết quả đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ do chủ sở hữu giao nhưng tối đa không vượt quá 50% mức lương tương ứng với các chức danh viên chức quản lý, điều hành được hưởng tại công ty. Phần còn lại được hạch toán vào thu nhập khác của công ty.

Thù lao của viên chức quản lý không chuyên trách theo chức danh đảm nhận, được xác định theo năm và mức thù lao tối đa không vượt quá 20% tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách tương ứng. Cuối năm được thanh toán theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao và kết quả đánh giá về quản lý, điều hành công ty đối với từng viên chức quản lý không chuyên trách.

Quỹ tiền lương, thù lao được hạch toán thành mục riêng vào chi phí kinh doanh trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty và được trả theo quy chế riêng của công ty, không sử dụng quỹ tiền lương của người lao động để trả lương cho viên chức quản lý, điều hành công ty.

Theo phương án thứ nhất, quỹ tiền lương kế hoạch của viên chức quản lý, điều hành được xây dựng trên cơ sở mức tiền lương cơ bản, số lượng và tổng số tháng thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành của của các viên chức quản lý, điều hành trong năm.

Mức tiền lương cơ bản của các viên chức quản lý, điều hành làm cơ sở xây dựng quỹ tiền lương kế hoạch gắn với hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước so với thực hiện của năm trước liền kề.

Theo đó, những công ty có hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước bằng thực hiện của năm trước liền kề thì tiền lương kế hoạch bằng mức lương cơ bản được quy định dao động từ 15-36 triệu đồng/tháng tùy từng vị trí ở quy mô, mức độ doanh nghiệp khác nhau.

Cụ thể, Chủ tịch HĐTV tập đoàn kinh tế hưởng mức lương cơ bản 36 triệu đồng/tháng, TCty đặc biệt 34 triệu đồng/tháng, TCty 32 triệu đồng/tháng, các công ty từ cấp III tới cấp I tương đương 23 triệu đồng tháng đến 27 triệu đồng/tháng. Tổng GĐ, GĐ ở các cấp độ doanh nghiệp tương đương hưởng lương thấp hơn Chủ tịch HĐTV 2 triệu đồng/tháng. Các thành viên HĐTV, Phó Tổng GĐ, phó GĐ thấp hơn 6 triệu đồng/tháng. Kiểm sát viên, kế toán trưởng thấp hơn 8 triệu đồng/tháng.

Chức danh

Đơn vị tính: triệu đồng/tháng

Mức tiền lương cơ bản

Công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế

Tổng công ty đặc biệt và tương đương

Tổng công ty và tương đương

Công ty

    I

II

III

1. Chủ tịch Hội đồng thành viên (chủ tịch công ty) chuyên trách

36

34

32

27

25

23

2. Tổng giám đốc, giám đốc

34

32

30

25

23

21

3. Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên, phó tổng giám đốc, phó giám đốc

30

28

26

21

19

17

4. Kiểm soát viên, kế toán trưởng

28

26

24

19

17

15

Đối với công ty có hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước và tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước cao hơn thực hiện của năm trước liền kề thì tiền lương kế hoạch tăng nhưng tối đa không vượt quá 1,2 lần so với mức lương cơ bản.

Công ty có hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước thấp hơn thực hiện của năm trước liền kề thì tiền lương kế hoạch giảm nhưng thấp nhất bằng mức lương được tính trên cơ sở hệ số lương theo hạng công ty, phụ cấp lương (nếu có) và mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định (gọi tắt là tiền lương chế độ), trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan Nhà nước có quyết định can thiệp để bình ổn thị trường hoặc giá sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước quy định ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Những công ty hoạt động không có lãi, hoặc lỗ thì tiền lương kế hoạch bằng tiền lương chế độ...

Đối với công ty thực hiện nhiệm vụ, dịch vụ công ích không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm kế hoạch nộp ngân sách nhà nước theo đúng luật định và khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích kế hoạch không giảm so với thực hiện năm trước liền kề thì tiền lương kế hoạch tăng nhưng tối đa không quá 1,2 lần so với mức tiền lương cơ bản để tính quỹ tiền lương kế hoạch, trường hợp công ty bị lỗ (sau khi loại trừ nguyên nhân khách quan) thì tiền lương kế hoạch bằng tiền lương chế độ.

Ngoài phương án trên, dự thảo cũng đề xuất phương án 2 về Quỹ tiền lương kế hoạch. Theo đó, quỹ tiền lương kế hoạch được tính theo mức lương bằng 3 lần so với tiền lương chế độ của các viên chức quản lý, điều hành gắn với mức hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước theo kết quả đánh giá về quản lý, điều hành công ty, đồng thời có khống chế mức tăng tiền lương theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá về 2 phương án này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, phương án 1 có ưu điểm từng bước tiếp cận với các chức danh viên chức quản lý, điều hành tương ứng trên thị trường nhưng có khống chế, đồng thời khắc phục sự chênh lệch về tiền lương giữa ngành, nghề có lợi thế và không có lợi thế và tạo điều kiện thí điểm thuê tổng giám đốc (giám đốc). Tuy vậy phương án này có hạn chế là không được điều chỉnh theo tiền lương tối thiểu và bảo đảm mặt bằng so sánh với tiền lương khu vực hành chính, sự nghiệp.

Còn phương án 2 có thuận lợi bảo đảm mặt bằng so sánh với tiền lương với khu vực hành chính, sự nghiệp về tiền lương chế độ nhưng quá thấp so với mặt bằng tiền lương tương ứng trên thị trường và không tạo điều kiện thí điểm thuê tổng giám đốc (giám đốc).

P.Thảo - T.Trầm