Lãnh đạo ngành thuế nêu khó khăn trong việc thu thuế thương mại điện tử
(Dân trí) - Lãnh đạo ngành thuế cho biết nguồn thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới còn dư địa lớn để khai thác dù hoạt động thu thuế gặp nhiều khó khăn.
Tại hội thảo về thuế do Báo Lao Động tổ chức ngày 18/12, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho biết, giai đoạn 2021-2024, ngành thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế, với 8 loại thuế và 36 loại phí.
Một số loại thuế, phí có thể kể đến gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ, phí - lệ phí… với tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã thực hiện miễn giảm, gia hạn khoảng gần 730.000 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá nhiều chính sách thuế đã hỗ trợ kịp thời đến doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế. Ghi nhận mới nhất từ khảo sát môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024, có tới 31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ví dụ dù đã có nhiều cải thiện, quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Một số quy định thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó dự đoán cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành thuế đã chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng không phải doanh nghiệp nào, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng có đủ nguồn lực và năng lực để thích nghi.
Đại diện VCCI đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể, các tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và thống nhất về việc thực thi các chính sách thuế. Song song đó, cơ quan thuế có thể nghiên cứu, sửa đổi và triển khai chính sách thuế đơn giản, ổn định, đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế phí chồng chéo, và duy trì sự ổn định trong chính sách để doanh nghiệp yên tâm lập kế hoạch dài hạn.
Với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs), đại diện VCCI cho biết các doanh nghiệp này cần có chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế, hoặc tư vấn trực tiếp…
116 nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế qua cổng thông tin
Thông tin về kết quả thu thuế thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, cho biết sau hơn 2 năm triển khai các giải pháp và vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, tổng số đơn vị đã đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng là 116.
Các đơn vị đến từ Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Anh, Australia... Số thuế các nhà cung cấp nộp ngân sách Nhà nước trực tiếp thông qua cổng sau hơn 10 tháng qua đạt 8.687 tỷ đồng, vượt mức của cả năm 2023 là 8.096 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bằng Thắng nêu, cơ quan thuế phát sinh một số khó khăn trong quá trình thu thuế của các đối tượng này. Cụ thể, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới là hoạt động mới, phát triển mạnh trong các năm gần đây, đối tượng là các nhà cung cấp nước ngoài không hình thành pháp nhân tại Việt Nam.
Điều đó dẫn đến việc một số quy định không phù hợp với hoạt động này như hóa đơn của nhà cung cấp nước ngoài, quy định về cơ sở thường trú của nhà cung cấp nước ngoài.
Ngoài ra, việc kết nối để xây dựng cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị liên quan với Tổng cục Thuế còn khó khăn do dữ liệu của các đơn vị liên quan gồm bộ, ngành, ngân hàng... chưa có định dạng thống nhất, cách thức khai thác còn thủ công. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc phân tích và sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý thuế.
Đặc biệt, còn một số nhà cung cấp nước ngoài chưa phối hợp cung cấp thông tin do các điều khoản bảo mật thông tin ký kết với người dùng.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, ông Thắng nêu do đặc thù các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, việc thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra mức độ tuân thủ của nhà cung cấp nước ngoài gặp nhiều khó khăn và không thể thực hiện tại trụ sở người nộp thuế trong công tác thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
Việc phân tích doanh thu từ khách hàng là tổ chức hoặc cá nhân của các nhà cung cấp nước ngoài khó khăn do khối lượng khách hàng là tổ chức, cá nhân kê khai, nộp thuế thay cho các nhà cung cấp nước ngoài lớn trải dài trên khắp cả nước, gây khó khăn trong việc rà soát tính chính xác.
Theo ông Thắng, quy mô thương mại điện tử xuyên biên giới được định giá hàng chục tỷ USD và Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới còn dư địa lớn để khai thác.