Lãnh đạo Coteccons "đặt chân" vào HĐQT Vinamilk

(Dân trí) - Việc có sự thay đổi của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), trong đó có sự tham gia của chủ tịch một công ty có tiếng về xây dựng đã thu hút sự quan tâm của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk.

Ngày 15/4, tại TPHCM đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã CK: VNM). Điểm đáng chú ý của ĐHCĐ lần này chính là sự thay đổi về nhân sự mới tham gia trong Hội đồng Quản trị (HĐQT).

Đại hội đã tiến hành bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2017-2021 với 9 thành viên. Trong đó, bà Mai Kiều Liên đạt số phiếu bầu cao nhất (118,24%), kế đến là bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HDBank (111,16%). Kết quả bầu cử các thành viên còn lại như sau: ông Lê Thành Liêm – 106,69%, ông Lee Meng Tat – 91,92%, ông Michael Chye Hin Fah – 91,88,% ông Nguyễn Hồng Hiển – 91,73%, bà Đặng Thị Thu Hà – 91,71%, ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch Coteccons) – 96,65%, ông Đỗ Lê Hùng – 96%.

Bà Lê Thị Băng Tâm, bà Mai Kiều Liên, ông Lê Thành Liêm và ông Nguyễn Bá Dương được đề cử bởi nhóm 11 cổ đông nước ngoài vào vị trí thành viên HĐQT độc lập. Ông Nguyễn Bá Dương được bầu vào HĐQT và phụ trách lương, thưởng tại Vinamilk.

Đại hội đã tiến hành bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2017-2021 với 9 thành viên (Ảnh: Khổng Chiêm)
Đại hội đã tiến hành bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2017-2021 với 9 thành viên (Ảnh: Khổng Chiêm)

Việc có sự thay đổi lớn các thành viên HĐQT, trong đó có sự tham gia của Chủ tịch một công ty có tiếng về xây dựng là Coteccons (HOSE: CTD ) khiến cổ đông quan tâm. Nhiều cổ đông bày tỏ băn khoăn liệu mô hình HĐQT mới có phù hợp với quy định của Nhà nước cũng như Luật Doanh nghiệp hay không?

Đại diện chủ toạ đoàn cho biết, Vinamilk là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng quản trị mới. Việc HĐQT nhiệm kỳ mới cơ cấu 1/3 là thành viên độc lập phụ trách 3 tiểu ban quan trọng là Nhân sự (bà Tâm), Kiểm toán (ông Liêm), Lương thưởng (ông Dương). Riêng việc ông Dương tham gia vào vị trí HĐQT độc lập để vừa đề xuất mức lương thưởng phù hợp vừa đảm bảo lợi ích cho cổ đông.

Trước đó, báo cáo tại đại hội, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, định hướng chiến lược của Vinamilk trong vòng 5 năm tới (2017 – 2021) sẽ trở thành công ty sữa tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất tại Đông Nam Á, đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào các thị trường đang phát triển và mới nổi tại Đông Nam Á để xây dựng các công ty con thành công thông qua việc M&A và hợp tác. Vinamilk cũng sẽ tìm kiếm cơ hội tại Mỹ và khu vực Australia – New Zealand để tăng cường năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu sữa.

Vinamilk cũng đặt ra tổng doanh thu mục tiêu năm 2021 là 80.000 tỷ đồng, trong đó nội địa góp 61.000 tỷ đồng (chiếm 75%), doanh thu tại các thị trường nước ngoài 19.000 tỷ đồng (chiếm 25%). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm doanh thu trong nước là 10%/năm, bằng hoặc cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường.

Tính đến năm 2021, tổng số lượng đàn bò tại các trang trại dự kiến đạt 44.400 con, mạng lại lượng sữa 157.000 tấn một năm, cùng với 251.000 tấn thu mua từ nông dân.

Bà Mai Kiều Liên cho biết, kết quả kinh doanh quý I/2017 của Vinamilk tăng trưởng cao với doanh thu tăng 16,1%; lợi nhuận sau thuế tăng 34%, lợi nhuận trước thuế tăng 30,3%. Hiện công ty có 10 trang trại nuôi bò sữa và sẽ hướng tới tự động hóa trong tương lai. Năm nay, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 51.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế là 9.735 tỷ đồng, tăng 4%.

HĐQT cũng trình ĐHCĐ kế hoạch trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ tối thiểu là 50% lợi nhuận sau thuế. Tạm ứng đợt 1 năm 2017 vào tháng 8 - 9 năm 2017 và đợt 2 năm 2017 vào tháng 5 – 6 năm 2018.

Công Quang