1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tỷ phú Thái chi cao hơn giá thị trường 800 tỷ đồng mua 5,4% cổ phần Vinamilk

(Dân trí) - Để nắm giữ "cổ phiếu vàng" Vinamilk, F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing đã chi trả đúng 11.286 tỷ đồng, tương đương gần 500 triệu USD, trong khi đó, nếu tính theo giá VNM giao dịch trên sàn chứng khoán thì giá trị lô cổ phiếu thấp hơn 800 tỷ đồng.

Bán được trên 60% lượng chào bán với giá cao hơn thị trường 6,7%

Như đã đưa tin, chiều nay (12/12), tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã diễn ra lễ chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Kết thúc hạn đăng ký, đã có 2 tổ chức nước ngoài tham gia đăng ký mua 5,4% cổ phần Vinamilk là F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing, tương đương 78,38 triệu cổ phiếu, chiếm 60% tổng số lượng cổ phần Vinamilk được phía SCIC chào bán.

Kết quả, hai nhà đầu tư nước ngoài đã chi trả "vừa vặn" mức giá khởi điểm là 144.000 đồng mà bên bán đã đưa ra. Đây cũng là hai nhà đầu tư duy nhất đăng ký tham dự phiên đấu giá này. Như vậy, để nắm giữ "cổ phiếu vàng" Vinamilk, F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing đã chi trả đúng 11.286 tỷ đồng, tương đương gần 500 triệu USD, đưa đây trở thành thương vụ đáng chú ý trong năm 2016 tại khu vực Đông Nam Á về tên tuổi lẫn quy mô.

F&NBEV Manufacturing và F&N Dairy Investments đều là 2 công ty con 100% vốn sở hữu của Fraser & Neave Limited do ông Lee Meng Tat làm Giám đốc. Hiện tại F&N Dairy Investment đang là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu 10,95%. F&NBEV Manufacturing PTE.LTD không sở hữu cổ phiếu Vinamilk. Đồng thời, ông Lee Meng Tat hiện đang là Thành viên HĐQT của Vinamilk.

F&N là tập đoàn đồ uống có trụ sở tại Singapore nhưng hiện thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Sau giao dịch này, F&N sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại VNM lên 16,35% vốn điều lệ.

Với việc mua 60% cổ phần đấu giá của SCIC Vinamilk, F&N trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinamilk. Đây là kết quả không mấy bất ngờ cho giới quan sát vì trước diễn ra phiên đấu giá, thì chỉ có duy nhất hai nhà đầu tư tổ chức này tham gia.

Trước khi phiên đấu giá diễn ra, F&N Dairy Investments và F&NBEV Manufacturing cùng đăng ký đấu giá 39.189.150 cổ phiếu. Nhiều người lo ngại việc chuyển nhượng sẽ không đạt kết quả cao do mức giá khởi điểm cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên kết quả phiên đấu giá hoàn thành được trên 60% lượng chào bán với giá cao hơn thị trường 6,7% (hơn 800 tỷ đồng) là một sự thành công.

Kết quả đấu giá cổ phiếu VNM chiều 12/12
Kết quả đấu giá cổ phiếu VNM chiều 12/12

Ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, SCIC hài lòng về kết quả đấu giá khi thành công 60% trong tổng số 9% vốn điều lệ VNM theo dự kiến. Về số lượng còn lại chưa bán hết, ông Học cho biết có 2 hướng xử lý. Thứ nhất, có thể tiếp tục chào bán. Thứ 2, có thể SCIC sẽ tiếp tục sở hữu và quản lý vốn tại VNM, tùy thuộc vào ý kiến của Bộ Tài chính và Chính phủ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC khẳng định, dù cuộc đấu giá thành công nhưng những phiên chào bán sau này, ngoài việc chào bán cạnh tranh, SCIC sẽ bổ sung cách thức giao dịch sao cho thuận lợi hơn, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu VNM giảm 2.100 đồng tương ứng giảm 1,5% còn 133.700 đồng.

Thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nếu áp dụng phương pháp dựng sổ

Đại diện SSI chi sẻ: "Tiến hành việc chào bán cạnh tranh lần này, SCIC cũng như liên danh tư vấn xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn do tính chất quan trọng của thương vụ: được đích thân Thủ tướng chỉ đạo, khởi đầu cho quá trình thoái vốn Nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp hàng đầu mà SCIC đang đại diện nắm cổ phần. Bởi vậy, phía tư vấn cùng SCIC phải cân nhắc, tính toán để đảm bảo một phương án hợp lý, tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước để đem lại lợi ích cho quốc gia, cho chính Vinamilk, chứ không phải đưa ra một phương án bán cổ phần bằng mọi giá".

VNM được đánh giá là một cổ phiếu vàng
VNM được đánh giá là một "cổ phiếu vàng"

Trong thương vụ này, quy trình thoái vốn tuân theo Quyết định số 51 ngày 15/9/2014 về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Nhà nước (chào bán cạnh tranh). Theo đó, nhà đầu tư bắt buộc phải đặt cọc 10% giá trị chào mua. SCIC và các đơn vị tư vấn cũng lường trước việc đặt cọc sẽ khó khăn cho một số nhà đầu tư tài chính tham gia, vậy nên trong khuôn khổ cho phép, hai bên đã cố gắng đề xuất phương án đặt cọc bằng USD.

Ngoài ra, lý giải cho việc xác định giá khởi điểm, SSI cho biết, đây là một quá trình. Theo đó, mức giá 144.000 đồng/cổ phần được đưa ra dựa vào nhiều báo cáo phân tích của nhiều tổ chức tài chính để xác định giá trị của công ty, giá thị trường chỉ là một yếu tố.

"Vinamilk một tài sản tốt, một trong những công ty tốt nhất Việt Nam, vậy nên Chính phủ và SCIC không có áp lực phải thoái Vinamilk ở giá thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mong muốn thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá, một tỷ lệ mua tối đa đã được đặt ra là để khuyến khích các tổ chức cùng tham dự", đại diện đơn vị tư vấn cho hay.

Tuy vậy, SSI cũng cho rằng, trong đợt chào bán này, nếu phía chào bán được áp dụng phương pháp dựng sổ (book-building) thì có thể sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn.

Phương pháp dựng sổ đã được thực hiện thông dụng tại trên thế giới, theo đó, đơn vị tư vấn sẽ đứng ra xây dựng hồ sơ, quảng bá và đo nhu cầu thị trường thông qua việc dựng sổ nhu cầu mua của các nhà đầu tư ở các mức giá khác nhau nằm trên một mức giá sàn được xác định trước. Cách làm này giúp bên chào bán xác định được mức giá tối ưu nhất cho đợt phát hành thành công và bớt đi các thủ tục phức tạp như việc đặt cọc, tuân theo nhiều biểu mẫu... của quy trình chào bán cạnh tranh hiện nay.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp tư nhân lớn cũng đã bắt đầu áp dụng phương pháp dựng sổ để phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và nhận được sự ủng hộ tích cực, bởi phương pháp này sẽ tạo sự minh bạch, đo lường tốt hơn sự hấp thụ của thị trường để đảm bảo sự thành công của phiên chào bán.

Với việc bán thành công 60% số phần chào bán với mức giá cao hơn giá thị trường, SCIC cũng như liên danh tư vấn cho rằng, đây là một thành công bước đầu trong quá trình thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp quan trọng, bởi nó cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư với thị trường Việt Nam.

"Với tiền đề này, trong tương lai, chúng ta có thể hy vọng sẽ có nhiều thương vụ thoái vốn thành công hơn, đặc biệt nếu như luật cho phép doanh nghiệp Nhà nước cũng có thể áp dụng cơ chế dựng sổ thay vì đấu giá", phía SSI nhìn nhận.

Bích Diệp - Công Quang