1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Làn sóng vỡ nợ dâng lên ở Mỹ

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát và điều này có thể đẩy nhiều doanh nghiệp Mỹ vào tình cảnh vỡ nợ.

Tỷ lệ doanh nghiệp vỡ nợ tăng cao

Tỷ lệ doanh nghiệp vỡ nợ tại Mỹ đã tăng cao trong tháng 5. Đây là một dấu hiệu cho thấy các công ty Mỹ đang chật vật vì lãi suất tăng cao và triển vọng kinh tế bấp bênh. Kể từ đầu năm đến nay, Mỹ ghi nhận 41 vụ vỡ nợ doanh nghiệp, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Tuần trước, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, đã cảnh báo sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa cho đến khi lạm phát hạ nhiệt.

Giới chuyên gia cho rằng lãi suất tăng cao là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng khó khăn của doanh nghiệp như hiện nay. Nhiều công ty đang rất cần thanh khoản hoặc cần tái cấp vốn đối với núi nợ hiện có và sẽ phải đối mặt với chi phí nợ mới tăng cao.

"Vốn giờ đắt đỏ hơn nhiều", ông Mohsin Meghji, đối tác sáng lập Công ty tư vấn và tái cơ cấu M3 Partners, nhận xét. "Hãy nhìn vào chi phí nợ. Bạn có thể vay nợ một cách hợp lý với mức trung bình từ 4% đến 6% tại bất kỳ thời điểm nào trong 15 năm qua. Nhưng bây giờ chi phí vay đã tăng từ 9% lên 13%", ông Meghji lý giải.

Tính đến ngày 22/6, Mỹ đã ghi nhận 324 doanh nghiệp Mỹ đã nộp hồ sơ phá sản, gần bằng con số 374 của năm 2022.

Envision Healthcare, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp, trở thành vụ doanh nghiệp vỡ nợ lớn nhất trong tháng 5. Doanh nghiệp này đã gánh khoản nợ hơn 7 tỷ USD khi nộp đơn xin phá sản.

Còn theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence, nhiều tên tuổi lớn nằm trong danh sách phá sản này như Công ty An ninh gia đình Monitronics International, ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), chuỗi bán lẻ Bed Bath & Beyond và chủ sở hữu mạng lưới thể thao Diamond Sports.

"Trong nhiều trường hợp, các vụ vỡ nợ có thể mất hàng tháng để xử lý. Tỷ lệ vỡ nợ là chỉ báo muộn về tình trạng căng thẳng của nền kinh tế", ông Tero Janne, chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Solomon Partners, chia sẻ .

Làn sóng vỡ nợ dâng lên ở Mỹ - 1

Cửa hàng Bed Bath & Beyond đóng cửa tại Mỹ vào cuối tháng 4 năm nay (Ảnh: CNBC).

Tỷ lệ vỡ nợ toàn cầu có thể lên 4,6%

Moody's ước tính tỷ lệ vỡ nợ toàn cầu sẽ tăng lên 4,6% vào cuối năm nay, cao hơn mức trung bình những năm qua là 4,1%. Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên 5% vào tháng 4 năm sau và sau đó sẽ bắt đầu hạ nhiệt.

Ông Mark Hootnick, chuyên gia tại Solomon Partners, cho rằng nhiều khả năng số vụ vỡ nợ sẽ tăng trong thời gian tới do điều kiện tín dụng đã siết chặt hơn.

"Làn sóng vỡ nợ không tập trung ở bất cứ lĩnh vực cụ thể nào. Thay vào đó có khá nhiều vụ vỡ nợ trong các ngành khác nhau. Nó phụ thuộc vào đòn bẩy và tính thanh khoản", bà Sharon Ou, Phó chủ tịch Moody's, nhận định.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều lý do khác đằng sau các vụ vỡ nợ. Ngoài gánh nặng nợ nần chồng chất, Envision còn bị phá sản do các vấn đề chăm sóc sức khỏe bắt nguồn từ đại dịch Covid-19. Bed Bath & Beyond cũng bị ảnh hưởng bởi nắm giữ lượng lớn các cửa hàng truyền thống trong khi nhiều khách hàng chọn mua sắm trực tuyến.

Tương tự, mạng lưới Diamond Sports cũng đâm đơn phá sản do người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các gói truyền hình cáp nhiều hơn trong thời dịch.

"Nhưng tất cả chúng ta đều hiểu rõ những rủi ro mà các công ty đang phải đối mặt hiện nay. Đó là tăng trưởng kinh tế suy yếu, lãi suất và lạm phát tăng cao", bà Sharon Ou nhận định. "Các lĩnh vực mang tính chu kỳ như hàng tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nếu người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu", chuyên gia lưu ý thêm.

 
Theo CNBC, Moody

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm