Lần đầu xuất siêu nhờ...doanh nghiệp ngoại!

(Dân trí) - Lần đầu tiên, trong 11 tháng, cả nước xuất siêu 484 triệu USD thì thặng dư thương mại ở khối doanh nghiệp FDI đã là 3,26 tỷ USD. Nhập khẩu thiết bị máy móc, phụ tùng tăng thấp trong khi nhập khẩu điện thoại, linh kiện tăng 84,7%, chủ yếu từ Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11 của cả nước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 1% so với tháng trước.

Trong đó xuất khẩu đạt 10,35 tỷ USD, tăng 0,2% và nhập khẩu là 9,95 tỷ USD, giảm 2,1%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hoá tháng 11 vẫn thặng dư 395 triệu USD. Nguyên chính do nhập khẩu giảm mạnh, được cho là vì các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra, hàng tồn kho không ngừng tăng nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, hoạt động sản xuất kinh doanh thu hẹp lại.

Lũy kế 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt gần 207,98 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi xuất khẩu đạt 104,23 tỷ USD, tăng 18,7% thì nhập khẩu là 103,75 tỷ USD, tăng 6,5%.

Sau 11 tháng, cả nước ghi nhận xuất siêu 484 triệu USD. Xuất siêu của tháng 11 chiếm tới 81,6% tổng mức xuất siêu thực hiện được trong 11 tháng.

Lần đầu tiên từ 2007, Việt Nam có xuất siêu.

Lần đầu tiên từ 2007, Việt Nam có xuất siêu.

Về hoạt động của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu khối này trong 11 tháng lên tới 112,54 tỷ USD, tăng 29% và chiếm 54,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu đạt 57,9 tỷ USD, tăng 34,6% và nhập khẩu là 54,64 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp này góp vào khối lượng xuất siêu cả nước 3,26 tỷ USD, đồng nghĩa với việc, trong khi các doanh nghiệp FDI xuất siêu thì các doanh nghiệp nội chủ yếu vẫn nhập siêu.

Xuất khẩu không có đột phá

"Câu lạc bộ tỷ Đô" về xuất khẩu trong tháng chỉ có 2 nhóm hàng là điện thoại các loại, linh kiện và hàng dệt may.

Theo đó, điện thoại các loại và linh kiện có trị giá xuất khẩu trong tháng 11 đạt 1,28 tỷ USD, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng lên 11,34 tỷ USD (tương ứng tăng 5,68 tỷ USD), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2011.

Những đối tác chính nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong 11 tháng qua là EU với 5,08 tỷ USD, tăng gấp hơn 1,9 lần và chiếm 44,8% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là Tiểu Vương Quốc Arập thống nhất, Nga, Hồng Kông...

Tại nhóm hàng dệt may, xuất khẩu trong tháng đạt 1,25 tỷ USD, giảm 7,1% so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 13,73 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2011 (tương ứng tăng 992 triệu USD).

Tính chung 11 tháng, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 6,81 tỷ USD, tăng 8,7% (tương ứng tăng 545 triệu USD). Kế đến là EU đạt 2,21 tỷ USD, giảm 4,6%; Nhật Bản đạt 1,79 tỷ USD, tăng 17% (tương ứng tăng hơn 260 triệu USD) và Hàn Quốc 994 triệu USD, tăng 21,1% so với 11 tháng năm 2011.

Biên độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu điện thoại năm nay rất mạnh.
Biên độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu điện thoại năm nay rất mạnh.

Nhập khẩu điện thoại, linh kiện tăng mạnh

Về phía nhập khẩu, có 4 nhóm hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD trong tháng. Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập về 1,33 tỷ USD, tăng 3% so tháng trước.nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng năm 2012 lên 14,68 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, khu vực FDI nhập khẩu 7,84  tỷ USD, tăng 32,4% và các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 6,84 tỷ USD, giảm 15% so với 11 tháng năm 2011.

Hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc với 4,73 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 32% tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là Nhật Bản 3,13 tỷ USD, tăng 23,9%; Hàn Quốc 1,58 tỷ USD, tăng 39,3%; Đài Loan 805 triệu USD...

Mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 11 có kim ngạch nhập khẩu đạt 1,22 tỷ USD, giảm 12,4% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng/2012 lên gần 11,9 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong số này, nhập khẩu của khu vực FDI là 10,53 tỷ USD, tăng 84,3% và chiếm 89% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc gần 3 tỷ USD, tăng 42,5% so cùng kỳ; Hàn Quốc 2,95 tỷ USD, tăng 75%; Nhật Bản 1,54 tỷ USD, tăng 53,4%; Mỹ, Singapore, Malaysia...

Riêng điện thoại các loại và linh kiện dù kim ngạch nhập khẩu trong tháng chỉ đạt 505 triệu USD, giảm 3,2% so với tháng trước nhưng tính đến hết tháng 11/2012, cả nước nhập khẩu đã 4,48 tỷ USD, tăng 84,7% so với 11 tháng/2011.

Việt Nam nhập khẩu điện thoại và linh kiện chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc 3,03 tỷ USD, tăng 97,3% so 11 tháng/2011 và chiếm gần 70% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Nhập từ Hàn Quốc 1,17 tỷ USD, tăng 71,8%; Singapore 76,4 triệu USD ( trong khi 11 tháng/2011 chỉ là 687 nghìn USD); Đài Loan 55,9 triệu USD, tăng 53% so cùng kỳ 2011.

Ngoài ra, nhóm nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da, giày tháng 11 nhập khẩu 1,17 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước. Tính đến hết 11 tháng 2012, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 11,37 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Một nhóm hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn khác cần chú ý là phế liệu sắt thép. Trong 11 tháng qua, cả nước nhập khẩu gần 1,33 tỷ USD mặt hàng này, tăng 31% với lượng nhập khẩu tương ứng đạt 3,04 triệu tấn, tăng 38,7% so với 11 tháng/2011.

Các thị trường chính cung cấp phế liệu sắt thép cho Việt Nam là Australia 512 nghìn tấn, tăng gấp gần 3 lần; Mỹ 428 nghìn tấn, giảm 2,8%; Nhật Bản 225 nghìn tấn, tăng gấp hơn 7 lần; Hà Lan 149 nghìn tấn, tăng gấp gần 10 lần...

Bích Diệp