1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Làm sao để tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU?

Đại Việt

(Dân trí) - Nếu không muốn thị trường Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp cần tránh gian lận xuất xứ hàng hóa hay “lách luật”.

Làm sao để tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU? - 1

Ngành nông nghiệp có nguy cơ cao bị phòng vệ thương mại.

Nông nghiệp là ngành có nguy cơ cao bị phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị tập huấn Công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Phòng vệ thương mại là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

Mỗi nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều có quyền áp dụng phòng vệ thương mại, nhưng khi áp dụng thì các thành viên phải đảm bảo tuân theo các quy định của WTO.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều mặt hàng có nguy cơ bị các nước Châu Âu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như nông sản, thủy hải sản, giày dép, may mặc, gỗ, thép…

Theo bà Giang, ví dụ điển hình là mặt hàng giày dép, đây là sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Ngành giày dép đang mang đến công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động, đặc biệt là các lao động nữ ở nông thôn.

Thế nhưng, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì ngành giày dép cũng là mặt hàng có nguy cơ cao bị EU quay lại điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Làm sao để tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU? - 2

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương. Ảnh: Đại Việt

“Không chỉ có giày dép, mà nông thủy sản cũng là mặt hàng nhạy cảm và có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Bởi, EU là nền kinh tế đứng đầu thế giới về trợ cấp nông nghiệp cho người nông dân. Và nông nghiệp luôn là ưu tiên số 1 của các nước EU về trợ cấp. Chính vì vậy, bất cứ mặt hàng nông nghiệp nào nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường EU gây thiệt hại cho người nông dân EU thì EU sẽ không ngần ngại áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”, bà Giang nói.

Cũng theo bà Giang, may mắn cho Việt Nam là những mặt hàng nông sản trong nước xuất khẩu sang thị trường châu Âu đều không phải là những ngành hàng cạnh tranh trực tiếp với nông dân châu Âu như sữa, chăn nuôi, cây trồng... Nông sản Việt Nam xuất sang châu Âu chủ yếu là cà phê, hạt điều và các loại hạt khác.

Ngoài ra, gỗ cũng là mặt hàng nằm trong “vùng nguy hiểm” do nhiều nước trong khối EU cũng đang sản xuất đồ gỗ chất lượng cao hoặc đồ gỗ là mặt hàng đóng góp GDP lớn cho quốc gia. Chính vì vậy, chỉ cần 1 – 2 nước trong EU bị thiệt hại thì EU sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng gỗ.

Theo bà Giang, ở chiều ngược lại, những mặt hàng EU xuất khẩu vào Việt Nam chủ yếu là linh kiện điện tử, máy tính, ô tô, dược phẩm và sữa. Như vậy, đây không phải là những mặt hàng cạnh tranh trực tiếp quá lớn đối với Việt Nam, trừ mặt hàng sữa và hai bên đang có sự bổ sung hàng hóa cho nhau. EVFTA cũng là hiệp định có nguy cơ thấp nhất về vấn đề phòng vệ thương mại.

“Đối với mặt hàng có nguy cơ cạnh tranh cao nhất là sữa thì chúng ta đang có đủ khả năng cung ứng sữa và các chế phẩm từ sữa cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Năm vừa qua, các doanh nghiệp lớn cũng đã xuất khẩu sữa chính ngạch sang thị trường khó tính là Trung Quốc. Tuy nhiên, sữa của thị trường EU lại rất nhiều. Vì vậy, việc có nên xuất khẩu sữa sang thị trường này hay không cũng là điều cân nhắc”, bà Giang chia sẻ.

Làm sao để tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU? - 3

Gà công nghiệp giá rẻ đang bán đầy các siêu thị. Ảnh: Đại Việt

Lấy ví dụ về việc ngành nông nghiệp của Việt Nam đã từng bị thiệt hại vì các nông sản nhập khẩu, bà Giang cho biết, trước đây, người Việt không biết đến gà đông lạnh nhập khẩu cho đến khi dịch cúm gà xuất hiện. Nông dân nuôi gà bị thiệt hại nặng nề. Gà công nghiệp được nhập khẩu ồ ạt để giải quyết nhu cầu trong nước.

Người nông dân nuôi gà từng "điêu đứng" vì giá gà công nghiệp nhập khẩu chỉ ở mức 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, gà công nghiệp trong nước sản xuất rẻ nhất cũng phải ở mức 35.000 đồng/kg. Chính vì vậy, gà nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Hàn Quốc đã “đàng hoàng” đi vào thị trường Việt Nam, dù hàm lượng dinh dưỡng của những loại gà này thua xa chất lượng gà công nghiệp do trong nước sản xuất.

“Các đơn vị chế biến xuất ăn công nghiệp thì họ chỉ quan tâm là giá gà ở đâu rẻ, họ đâu cần quan tâm đến việc hàm lượng dinh dưỡng như thế nào, miễn là loại gà đó không vi phạm các quy chuẩn về vệ sinh dịch tễ… Mở cửa cho nhập khẩu là phương án giải quyết ngắn hạn nhưng cũng sẽ mang lại hậu quả dài hạn. Chính vì vậy, việc nhập khẩu thịt heo trong giai đoạn dịch tả heo châu Phi hoành hành cũng cần tính toán kỹ lưỡng để tránh thiệt hại cho nông dân trong nước”, bà Giang nói.

Theo bà Giang, khi gia nhập EVFTA thì Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi sự tràn vào của các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ từ châu Âu. Người nông dân sẽ có những thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, bù lại cho những mất mát của người nông dân thì ngành da giày, dệt may lại được hưởng lợi từ hiệp định này. Vấn đề phải giải quyết chính là nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân để đối mặt với thách thức.

Cũng theo bà Giang, nâng cao các rào cản kỹ thuật để quản lý hàng hóa nhập khẩu một cách chặt chẽ hơn cũng là vấn đề rất quan trọng mà Việt Nam cần phải làm nhằm kiểm soát hàng hóa ngoại nhập vào thị trường nội địa.

Không gian lận và không vì cái lợi trước mắt

Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng Phòng xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn từ 2019 – 2020, thế giới đang chứng kiến xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại tại nhiều nước, khu vực trên thế giới. Trong năm 2020, Việt Nam cũng đang ứng phó với 27 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau.

Nguyên nhân dẫn đến các biện pháp bảo hộ thương mại có xu thế gia tăng là do sự xuất hiện của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tăng cường tự do thương mại toàn cầu, trong đó có EVFTA. Theo đó, EU sẽ miễn thuế cho phần lớn hàng hóa của Việt Nam.

Làm sao để tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU? - 4

Hàng hóa gian lận xuất xứ là mối lo ngại rất lớn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi câu chuyện "con sâu làm rầu nồi canh" vẫn có thể diễn ra. Ảnh: Đại Việt

Việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng đa dạng, phong phú cũng là nguyên nhân dẫn đến các biện pháp bảo hộ thương mại có xu thế gia tăng . Việc cạnh tranh không lành mạnh cũng dẫn đến các biện pháp trả đũa trực tiếp, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng đang dẫn tới sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Những nguyên nhân nói trên làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Chính vì vậy, cần tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, có 3 nhóm biện pháp để tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài. Thứ nhất là cần cảnh báo sớm, ngăn ngừa các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ một cách có chọn lọc.

Thứ hai là đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua tăng cường hiệu quả của công tác cấp và kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), tăng cường kiểm tra đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa.

Thứ ba chính là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài, quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

Làm sao để tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU? - 5

Nhiều vụ làm hàng giả quy mô lớn đã bị phát hiện trong thời gian qua. Ảnh: Đại Việt

Cũng theo ông Đức, muốn các biện pháp nói trên đi vào thực tiễn thì cần tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh, xuất xứ, hải quan bằng cách nâng cao khả năng phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định về quy tắc xuất xứ, chống lẩn tránh, nguy cơ bị các nước áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, tăng cường khả năng ứng phó của các ngành, cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần phối hợp, hợp tác với các nước liên quan trong việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ. Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ.

Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.