EVFTA có hiệu lực: Cẩn thận với hàng hóa “trà trộn” từ các nước láng giềng
(Dân trí) - Các nước châu Âu rất chú trọng đến khâu hậu kiểm hàng hóa và sẽ có hành động “trả đũa” nếu doanh nghiệp Việt tiếp tay cho hàng hóa của các nước láng giềng vào châu Âu để hưởng lợi bất hợp pháp.
Ngày 31/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn hợp tác Thương mại và Công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu (EU) với chủ đề EVFTA – Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững.
Tại diễn đàn, đại diện Bộ Công Thương và các diễn giả đã phân tích những cơ hội và khó khăn cũng như những chính sách mới tại châu Âu.
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày mai 1/8. Đây là sự kiện đã được chờ đợi trong suốt thời gian dài.
“Hiệp định sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp của cả hai bên, mang lại những lợi ích tích cực cho Việt Nam và cả EU. Hiệp định EVFTA không chỉ là giảm hàng loạt loại thuế quan mà còn mang lại sự cải thiện xã hội và phát triển bền vững”, ông Jean-Jacques Bouflet nói.
Theo ông Jean-Jacques Bouflet, 99% các loại thuế sẽ được kéo giảm trong vòng một thập kỷ tới. Các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp cận thị trường năng động, tiềm năng như Việt Nam.
Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như nông sản, thủy hải sản, cà phê, dệt may sang 27 nước châu Âu.
“Chúng tôi đánh giá rất cao những cải cách của Việt Nam trong thời gian qua. EuroCham sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu các tiêu chuẩn chất lượng, môi trường kinh doanh và pháp lý khi kinh doanh tại thị trường EU”, ông Jean-Jacques Bouflet chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch EuroCham, Việt Nam đang ở vị thế tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Và cũng là một trong số ít những quốc gia có môi trường đầu tư có sự tăng trưởng ổn định trong dịch bệnh. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính Phủ, doanh nghiệp và người dân.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại của Việt Nam tại Bỉ cho biết, mặc dù Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo ra sân chơi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi mà các loại thuế đã được giảm mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cần lưu ý rằng, EU luôn chú trọng đến khâu hậu kiểm và không buông lỏng kiểm soát.
“Doanh nghiệp đưa hàng hóa vào châu Âu đừng nghĩ là thủ tục đơn giản mà chủ quan. EU cũng rất để ý đến việc hàng hóa từ những nước “láng giềng” của Việt Nam có thể vào châu Âu và hưởng lợi bất hợp pháp từ những lợi ích thương mại. Nếu xảy ra trường hợp này, EU sẽ đề nghị xác minh rất nghiêm ngặt. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần phải bảo vệ mình, bảo vệ thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp nào tiếp tay cho bên thứ 3 để hưởng lợi bất hợp pháp thì EU sẽ có những biện pháp phòng vệ và “trả đũa”. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp Việt”, ông Quân chia sẻ.
Cũng theo ông Quân, để hạn chế việc doanh nghiệp Việt có thể tiếp tay cho gian lận thì rất cần sự vào cuộc của các hiệp hội của mọi ngành nghề. Giúp các doanh nghiệp nâng cao ý thức và hiểu được những nguy cơ có thể xảy ra nếu làm trái các quy tắc.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư châu Âu phát triển mạnh mẽ hơn ở Việt Nam – thị trường được coi là năng động nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ của khu vực.
“Hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, hiệp định này không thể hoàn toàn là sự cứu cánh. Những ưu đãi từ EVFTA chỉ nên được xem là yếu tố hỗ trợ, còn yếu tố quyết định vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới chính mình”, thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà EVFTA đem lại, từ đó “trụ vững” và phát triển trên thị trường.
Chính phủ, Bộ Công Thương cùng với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại các nước EU và Vương quốc Anh sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng thực sự để kết nối đối tác với các doanh nghiệp châu Âu.