Phú Yên:

Làm rõ nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt, thiệt hại hơn 700 tỷ đồng

(Dân trí) - Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 760.000 con tôm hùm nuôi tại thị xã Sông Cầu, Phú Yên chết, ước tính thiệt hại hơn 700 tỷ đồng. Hiện nguyên nhân dẫn đến tôm chết vẫn chưa được tìm ra.

Hơn 700 tỷ đồng của người nuôi tôm hùm mất trắng
Hơn 700 tỷ đồng của người nuôi tôm hùm mất trắng

Để xác định nguyên nhân dẫn đến tôm chết, sáng ngày 2/6, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu nước để xác định nguyên nhân tôm chết.

Theo báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên, đến 9 giờ 30 phút ngày 1/6 đã có 769.175 con tôm chết trong tổng số 502 hộ tại các vùng nuôi. Kích cỡ tôm chết là cả tôm giống và tôm thương phẩm. Số lượng tôm chết ước khoảng 350 đến 400 tấn, thiệt hại trên 700 tỷ đồng. Trong số các hộ nuôi bị thiệt hại, tỷ lệ hộ mất trắng lên đến 80%, số còn lại đều thiệt hại trên 50%. Đời sống các hộ dân đang gặp rất nhiều khó khăn và bị áp lực về mặt nợ nần.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Hiện nay công tác lấy mẫu để xác định nguyên nhân tôm hùm chết đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Tỉnh Phú Yên cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ xác định nguyên nhân. Vì vậy chưa có cơ sở để khẳng định tôm chết là vì dịch hay vì thiên tai.

Ông Trần Hữu Thế, phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chủ trì buổi họp báo về việc tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên
Ông Trần Hữu Thế, phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chủ trì buổi họp báo về việc tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên

Về việc người dân nghi ngờ nhà máy xả thải, bà Lê Đào Anh Xuân, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết việc nghi ngờ trên là không có cơ sở nhưng việc doanh nghiệp tự ý thay đổi cam kết bảo vệ môi trường là có.

Trước đó, khi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty Nguyễn Hưng cũng thừa nhận việc tự ý thay đổi cam kết bảo vệ môi trường mà không có báo cáo cơ quan chức năng là sai. Cụ thể, do hồ xử lý nước thải của Công ty Nguyễn Hưng gặp sự cố nên doanh nghiệp đã chuyển toàn bộ nước thải từ nhà máy sang nhà máy Phú Bình để xử lý.

Ông Hòa cũng cho rằng, không có việc công ty xả nước ra môi trường gây ô nhiễm dẫn đến tôm hùm nuôi chết hàng loạt.

Trao đổi về việc người dân phản ứng tập thể, ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - cho biết: Sự cố tôm hùm chết hàng loạt lần này đã lấy đi của người dân quá nhiều, hơn 700 tỷ đồng ở một vùng là rất lớn chứ không hề nhỏ. Nên khi sự cố xảy ra chính quyền đã tích cực giúp đỡ bà con nông dân dời lồng nuôi đi chỗ khác để giảm bớt thiệt hại.

Còn về phần người dân nghi ngờ doanh nghiệp xả thải và phản ứng tập thể thì chính quyền đã nhiều lần vận động bà con nên bình tĩnh, đừng quá khích dẫn đến vi phạm pháp luật, bà con nên về nhà chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu phát biểu tại buổi họp báo
Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu phát biểu tại buổi họp báo

Về giải pháp hỗ trợ người dân trong xử lý nợ, tái đầu tư sản xuất, ông Trần Hữu Thế thông tin: Hiện nay các ngân hàng đã chủ động trong việc rà soát các hộ nuôi có ảnh hưởng để chuẩn bị các phương án xử lý. Số người dân bị thiệt hại đã rõ rồi. Sau đây sẽ có một số hộ rơi vào diện hộ nghèo, hoặc cận nghèo.

Vì vậy các ngân hàng, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phân lọc các đối tượng khác nhau để có chính sách hỗ trợ sản xuất phù hợp. Sắp tới trong quá trình cho vay tái sản xuất, người dân cũng phải cam kết thực hiện đúng quy trình nuôi.

Trung Thi