1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lạm phát thấp nhưng người dân vẫn chưa được hưởng lợi

(Dân trí) - Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý 3 và triển vọng cao song thiếu tính bền vững. Đặc biệt, lạm phát thấp nhưng người dân vẫn chưa được hưởng lợi...

Đó là đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại Hội nghị công bố Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3/2015 do Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 23/10.

Tăng trưởng vẫn thiếu bền vững

Theo báo cáo của CIEM, tăng trưởng Quý 3/2015 được ghi nhận đạt 6,8%, tăng cao hơn so với hai quý trước và so với cùng kỳ các năm 2012 và 2013; lạm phát luôn ở mức thấp; chi cho đầu tư đã tăng. Mặc dù hài lòng về tốc độ tăng trưởng, song nhiều chuyên gia vẫn không an lòng.

Dù tăng trưởng cao, nhưng thiếu bền vững, người dân vẫn hoài nghi vào lạm phát thấp (ảnh minh họa)
Dù tăng trưởng cao, nhưng thiếu bền vững, người dân vẫn hoài nghi vào lạm phát thấp (ảnh minh họa)

T.S Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM cho biết: “Con số tăng trưởng quý 3/2015 của chúng ta năm nay là rất cao là 6,8% nhưng thử nhìn xem tăng trưởng này có bền vững không? Tăng trưởng này ở đâu ra, nhờ nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh hay vẫn là cách tăng trưởng như cũ dựa vào vốn, đầu tư theo chiều rộng và khai khoáng...”.

Ông Cung nói tiếp, Quý 1, GDP tăng hơn 6,1% nhiều người sốc, tới quý 2 không sốc nữa, vì thực tế quý 2 luôn cao hơn quý 1. Tăng trưởng này có yếu tố của khai khoáng. Trong khi đó, từ 2013-2014, giá nguyên liệu khai khoáng giảm, điều này cho thấy khi giá giảm thì khối lượng lại tăng. Tính GDP thì lấy giá của năm 2010 chứ không phải theo giá hiện hành. Như dầu chẳng hạn, dầu giảm còn gần 50 USD nhưng giá tính vẫn là 100 USD, giảm hơn một nữa. Nhiều khi nhìn thấy tăng trưởng nhưng thu ngân sách không có, vì không có tiền thực.

Đóng góp ý kiến, T.S Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho hay: “Thứ nhất, tăng trưởng đúng là có thành tích sau mấy năm u tối. Nhưng theo tôi, phải xem chất lượng tăng trưởng thế nào, ở đâu ra. Theo tôi, chúng ta vẫn chủ yếu tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư, theo chiều rộng, giá rẻ, tiêu tốn nhiều lao động…”

Nhấn mạnh về yếu tố chi cho đầu tư và chi tiêu dùng của Ngân sách, T.S Bá khẳng định: “Chúng ta nói chi đầu tư có phục hồi, nhưng phục hồi ở đâu, do ai và cho ai. Chúng ta đang thụt lùi lại làm đến đâu tiêu đến đó, thậm chí là đi vay để tiêu, chứ không có sự đầu tư phát triển. Liên quan đến nợ công, hiệu quả đầu tư, nếu nhưng chúng ta vẫn duy trì chuyện này thì… làm ra 10 đồng thì phải để 2 đồng đầu tư phát triển”.

Ông Bá khuyến cáo, “nếu mô hình tăng trưởng không chuyển sang tăng trưởng về chất, theo chiều sâu thì tới đây lạm phát sẽ cao ngay, chỉ cần có xu hướng rộng rãi hơn 1 tí thì Việt Nam sẽ lại trở lại lạm phát cao. Cho nên tôi cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô đã được thực hiện nhưng thiếu quyết liệt, chưa bền vững”.

Vì sao dân hoài nghi vào lạm phát thấp!

Theo T.S Bá: quy luật thị trường khi giá giảm, lạm phát thấp là đúng, không có gì lo ngại cả. Nhưng hình như người dân Việt Nam có vẻ sống trong điều kiện lạm phát cao, nên khi lạm thấp lại lo lắng, sợ không phải vậy? Chúng ta đã làm sao cho dân hiểu, dân tin là vì đâu mà giá thấp và phải làm rõ cho họ thấy được. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được việc này.

Cụ thể, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan thừa nhận: Lạm phát cứ nói giảm nhưng thực tế có giảm đâu. “Nghịch lí là lạm phát thấp, xu hướng lạm phát giảm là rõ rệt nhưng lãi suất không giảm. Ngay cả khi chính sách tiền tệ, tài khóa lỏng mà lãi suất không giảm. Đây là nghịch lí ở thị trường Việt Nam. Hệ quả là chi phí tài chính của DN là lớn và khả năng huy động vốn khó khăn, vì vậy cần giúp DN phục hồi, vượt qua giai đoạn này là rất khó”.

Bà Lan nói thêm: “Lạm phát thấp ở đâu, sao người dân lo ngại và chưa tin, vẫn hoài nghi và không dám chi tiêu chính là do ở yếu tố điều hành: giá điện nước tăng, xăng dầu thế giới giảm 40% trong khi Việt Nam một mình một chợ, chỉ giảm hơn 20%. Khi lạm phát thấp, đáng tiếc là chúng ta không tận dụng để thúc đẩy giảm chi phí cho DN trong nước để người dân hưởng lợi trong khi lại điều chỉnh giá dịch vụ của điện, xăng dầu, nước hay dịch vụ y tế tăng lên. Dẫn tới, thu nhập người dân không tăng, trong khi giá chi phí tăng lên, dẫn tới chất lượng sống của người dân thấp”, bà Lan nói thêm.

Chia sẻ trăn trở về vấn đề hội nhập từ đầu năm đến nay, nhiều chuyên gia lo ngại hơn bởi năm 2015 là năm bản lề thực hiện nhiều cuộc hội nhập.

Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Tôi đã từng cho rằng, chúng ta đón cơ hội những đồng thời cũng nhận thách thức. Đừng chỉ nhìn hội nhập là màu hồng rồi đua nhau tán tụng mà phải nhìn thách thức mà đón nhận, vượt qua. TPP còn có thời gian để chuẩn bị nhưng các hiệp định thương mại từ ASEAN, đến đa phương với EU, với Liên minh Kinh tế Á – Âu ngay cận kề sẽ không chờ đợi cho ai chậm trễ. Sân nhà đang bị lấn dần, các DN còn có vẻ biết lo, nhưng chính cơ quan nhà nước lại dửng dưng?”.

Đồng tình quan điểm này, TS Cung cho rằng: “Rõ ràng, trong khi thế giới đang nâng tầm thị trường mà Việt Nam cứ đè thị trường xuống. Người ta là thúc đẩy khuyến khích, còn mình lại thanh và kiểm. Nếu nhà nước không thay đổi tư duy quản lý thì chúng ta không kết nối được với thị trường thế giới vì lệch pha”.

Nguyễn Tuyền

Lạm phát thấp nhưng người dân vẫn chưa được hưởng lợi - 2