Lạm phát tăng cao, kinh tế Nga có thêm khó?
(Dân trí) - Giá cả hàng hóa tăng nhanh đang trở thành mối lo ngại đối với Nga khi cuộc sống của người dân nơi đây đang chịu nhiều tác động từ xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Lạm phát ở phương Tây đã đi qua đỉnh điểm. Thế nhưng ở Nga, dường như mọi chuyện mới chỉ bắt đầu khi giá cả tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Theo dữ liệu của chính phủ, tháng 8, giá trái cây và rau quả đã cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, thịt gà và trứng cũng lần lượt tăng 15% và 12%.Du lịch nước ngoài đắt hơn gần 40% khi đồng rúp mất giá mạnh trong năm nay.
Tỷ lệ lạm phát tại Nga tháng 8 đã lên mức 5,2%, gấp đôi mức 2,3% hồi tháng 4. Để kiềm chế giá cả tăng cao, hôm 15/9, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) nâng lãi suất từ 12% lên 13%. Tháng trước, CBR cũng đã nâng lãi suất mạnh đến 3,5% nhằm ngăn chặn đợt bán tháo ruble.
Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng trung ương Nga đầu tháng 9, các doanh nghiệp Nga đang lo sợ trước một đợt lạm phát mới khi giá cả vốn đã ở mức cao kể từ lúc phương Tây áp lệnh trừng phạt.
Lạm phát bùng lên cũng là mối lo ngại lớn với Chính phủ nước này khi họ đang phải tìm cách bảo vệ người dân khỏi tác động của các lệnh trừng phạt. Phát biểu tại diễn đàn kinh tế ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nếu chính quyền không can thiệp sẽ dẫn đến lạm phát tăng không kiểm soát.
Theo khảo sát hồi tháng 7 của công ty nghiên cứu Romir, cứ 5 người Nga thì 1 người có kế hoạch giảm chi tiêu cho thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Ngoài ra, có 28% người tham gia khảo sát đang tìm việc làm thêm.
Đồng ruble trượt giá, chi tiêu quân sự bùng nổ và tình trạng thiếu lao động kéo dài là nguyên nhân khiến giá cả tăng mạnh trong những tháng gần đây. Bộ kinh tế Nga cũng đã nâng dự báo lạm phát quốc gia năm 2023 lên 7,5%, cao hơn nhiều so với dự đoán 4% trước đó.