Lạm phát Hà Nội, TPHCM chỉ tăng hơn 1% sau 6 tháng đầu năm

(Dân trí) - CPI tháng 6 của Hà Nội tăng 1,16% và của TPHCM tăng 1,09% so với cuối năm 2013.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

* Giá vàng tuột mốc 37 triệu đồng/lượng

* ĐBSCL: Chục kg thanh long không mua nổi bát phở

* World Bank "than phiền" vì chậm tiến độ dự án tại Việt Nam

* Facebook mất gần 600.000USD vì lỗi trong 30 phút

Cục thống kê 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.
 
CPI tháng 6 của Hà Nội tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 1,16% so với cuối năm 2013.
 
Trong tháng 6/2014, có 9/11 nhóm hàng có chỉ số tăng giá nhưng mức tăng không đáng kể. Ngược lại, hai nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số, giảm 0,27% và nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,17%. 
 
Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, lương thực giảm 0,93%, thực phẩm giảm 0,32%. Nguyên nhân khiến giá gạo giảm là do nguồn cung dồi dào, miền Bắc được mùa, năng suất cao. Các mặt hàng khác trong nhóm lương thực như mì tôm, bánh đa, khoai lang... giữ giá ổn định. 
 
Hầu hết các mặt hàng trong nhóm thực phẩm giảm. Rau xanh giảm do thời tiết thuận lợi nên một số loại rau chính vụ tăng trưởng tốt. Giá thịt lợn giảm, giá thịt bò ổn định. 
 
Sau một thời gian giảm giá do tâm lý e ngại dịch cúm gia cầm của người tiêu dùng, giá gia cầm đã tăng trở lại, nhưng mức tăng không cao. Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,22% so tháng trước. 
 
Hai chỉ số không thuộc rổ tính CPI là chỉ số giá vàng giảm 0,92% và chỉ số giá USD tăng 0,36% so với tháng trước. So với cuối năm ngoái, giá vàng tăng 1,49% và giá USD tăng 0,31%.
 
CPI tháng 6/2014 của TPHCM tăng mạnh hơn Hà Nội, với mức tăng 0,58% so với tháng 5, chủ yếu do tác động của giá dịch vụ y tế tăng 11,65%. 
 
Có 8/11 nhóm mặt hàng tăng giá trong tháng 6/2014, với mức tăng nhiều nhất, 3 nhóm mặt hàng giảm giá là đồ uống và thuốc lá (giảm 0,05), bưu chính viễn thông (0,35%) và văn hóa và giải trí (0,13%).
 
So với tháng 12/2013, giá tiêu dùng tăng 1,09%, với mức tăng cao nhất của nhóm thuốc và dịch vụ y tế là 8,53%, giao thông là nhóm có mức tăng xếp thứ hai (2,46%) chủ yếu do xăng dầu tăng (4,09%), xếp thứ ba là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+1,54%) trong đó thực phẩm tăng 2,44%. 
 
So với tháng trước, giá vàng tháng 6 tăng 2,7% và giá USD tăng 0,86%. 6 tháng đầu năm, 2 chỉ số này tăng lần lượt 2,45% và 0,5%.
 
Thục Anh

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”