1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lạm phát "gõ cửa" nồi cơm người dân toàn thế giới

(Dân trí) - Giá lương thực, thực phẩm tăng - một nguyên nhân và cũng là hệ quả của lạm phát - đã khiến người dân khắp thế giới phải thay đổi chế độ ăn. Đó là kết quả khảo sát toàn cầu trong chiến dịch Grow do Oxfam khởi xướng.

Lạm phát "gõ cửa" nồi cơm người dân toàn thế giới - 1
Chế độ ăn do chi phí của thực phẩm tăng lên. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
 
Cuộc khảo sát này được tiến hành ở 17 nước bao gồm Australia, Brazil, Đức, Ghana, Guatemala, Ấn Độ, Kenya, Mexico, Hà Lan, Pakistan, Philippines, Nga, Nam Phi, Tây Ban Nha, Tanzania, Anh và Mỹ do Công ty tư vấn nghiên cứu quốc tế GlobeScan thực hiện với sự tham gia của hơn 16.000 người.

Theo cuộc khảo sát, 54% tổng số người tham gia khảo sát nói rằng, hiện giờ họ không ăn những đồ ăn như cách đây 2 năm, trước cuộc khủng hoảng giá lương thực bắt đầu.

 

Trong đó, 39% người cho biết lý do thay đổi chế độ ăn uống là vì giá cả thực phẩm tăng lên; trong khi 33% người đưa ra lý do sức khỏe.

 

Chi phí cho lương thực là điều làm cho người tham gia khảo sát quan tâm nhất với 66% người. Trong khi đó, 43% người tham gia khảo sát cho rằng giá trị dinh dưỡng hoặc các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe cũng là mối quan tâm chính của họ.

 

Oliver Martin, Giám đốc nghiên cứu của GlobeScan cho biết: "Hậu quả của việc giá cả lương thực gia tăng trên toàn thế giới là rất rõ ràng. Chi phí cho lương thực và thực phẩm là nỗi lo chính của những người tham gia khảo sát."

 

Trước vấn đề này, ông Jeremy Hobbs, Tổng Giám đốc điều hành Oxfam cho rằng: cần phải kiểm soát thị trường hàng hóa và cải cách chính sách nhiên liệu sinh học không hoàn thiện để kiểm soát được giá lương thực.

 

Nhật Linh (theo Oxfam)