1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lạm phát cao: Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng là “thủ phạm”

Câu chuyện lạm phát của nước ta bắt đầu rộ lên từ năm 2004, khi chỉ số này đột ngột tăng tốc và đạt đỉnh trong vòng 11 năm qua. Còn năm nay, lại thêm một lần “xô ngã” mọi dự báo của các nhà quản lý.

Thế nhưng, năm 2004 cũng chính là thời điểm cơn sốt nóng giá nguyên liệu thế giới bùng phát và cũng kéo dài đến nay, còn theo dự báo của những định chế quốc tế danh tiếng như IMF hoặc WB thì qua đỉnh điểm trong năm nay, nó sẽ chỉ hạ nhiệt từ từ từ năm 2008 sắp tới đến giữa thập kỷ sau.

Phải chăng, giữa hai hiện tượng kinh tế này không có mối liên hệ nào? Câu trả lời là không. Bởi lẽ, với đặc thù nổi bật của nền kinh tế nước ta, khác rất xa so với hầu hết các nước xung quanh tự chủ được nguồn nguyên liệu ở mức độ cao hơn hẳn, chúng ta phải “sống nhờ” vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cho nên quy mô nhập khẩu sốt nóng giá cả thế giới vào thị trường trong nước ngày càng tăng.

Giá nguyên liệu phi dầu mỏ tăng mạnh hơn dầu mỏ

Trước hết, chỉ xét từ năm 2000 trở lại đây, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, sau hai năm biến động theo xu thế giảm, chỉ số giá nguyên liệu thế giới năm 2003 bắt đầu tăng mạnh (trên 13%), và liên tục trong 3 năm 2004-2006 đạt tốc độ tăng cao ngất ngưỡng trong khoảng 20-30%.

Tuy trong 8 tháng đầu năm nay, bình quân giá nguyên liệu thế giới chỉ tăng 3,62%, nhưng điều đặc biệt đáng lưu ý hiện nay là, liên tục trong 4 năm đầu dao động trong biên độ hẹp (trong khoảng 137,6-160,6 điểm), giá năng lượng thế giới tăng đại nhảy vọt liên tục trong 2 năm 2004-2005 (tăng 31,13% và 38,70%), còn năm 2006 chỉ còn tăng 19,31% và bình quân 8 tháng đầu năm nay đã giảm 2,75% so với cùng kỳ năm 2006.

Trong khi đó, một cách tương tự, giá nguyên liệu phi dầu mỏ cũng dao động trong biên độ hẹp (trong khoảng 75,5-82,1 điểm) trong 4 năm đầu và năm 2004 tăng đại nhảy vọt 18,51%; năm 2005 cũng tăng rất mạnh 10,28%; còn năm 2006 lại một lần nữa tăng đại nhảy vọt với kỷ lục 28,42%.

Điểm khác biệt cơ bản của nhóm hàng này so với nhóm hàng năng lượng là tốc độ tăng bình quân trong 8 tháng đầu năm nay vẫn còn rất mạnh với 17,59%.

Đây chính là yếu tố tác động rất mạnh đến nền kinh tế nước ta hiện nay. Bởi lẽ, trong “rổ hàng hoá nguyên liệu nhập khẩu” của nước ta, kim ngạch nhập khẩu các nguyên liệu phi dầu mỏ hiện lớn gấp khoảng 2,5 lần so với các sản phẩm xăng dầu.

Hiển nhiên, với quy mô hàng hoá nhập khẩu hiện bằng khoảng 75% GDP, trong đó riêng nguyên liệu nhập khẩu đã bằng khoảng 52-53% GDP, cho nên quy mô “nhập khẩu sốt nóng giá nguyên liệu thế giới” vào thị trường trong nước là cực kỳ lớn.

Sốt nóng giá cả thế giới: tác nhân đẩy lạm phát tăng

Ở đây, có hai điểm cần đặc biệt nhấn mạnh. Trước hết, đó là khoản “nhập khẩu sốt nóng giá nguyên liệu thế giới” này của nước ta liên tục tăng mạnh trong gần 4 năm qua, chứ không phải chỉ là những tác động nhất thời.

Thứ hai, cũng cần nhấn mạnh rằng, nếu cho rằng cùng trong cảnh phải “sống chung với sốt nóng giá nguyên liệu thế giới”, cường quốc nhập khẩu số 1 là Mỹ và số 2 là Trung Quốc, hoặc các nước xung quanh đều có tỷ lệ lạm phát thấp hơn nước ta nhiều lần để từ đó cho rằng sốt nóng giá nguyên liệu thế giới “có bằng chứng ngoại phạm” trước việc lạm phát cao của nước ta là sự so sánh hết sức khập khiễng.

Bởi lẽ, tuy nhập khẩu hàng hoá của Mỹ hiện lớn gấp 42,77 lần của nước ta (1.920 tỷ USD), nhưng so với “rổ GDP” hết sức khổng lồ trên 13.200 tỷ USD của họ, lớn gấp gần 220 lần của nước ta, thì độ mở ở đầu vào nhập khẩu của nền kinh tế này chỉ là 14,54%, tức là chưa bằng 1/5 tỷ lệ này của nước ta.

Hoặc “người khổng lồ” Trung Quốc cho dù đã liên tục tăng đại nhảy vọt nhập khẩu trong suốt 5 năm “hậu WTO” vừa qua và đã trở thành quốc gia nhập khẩu hàng hoá thứ 3 thế giới với kim ngạch 792 tỷ USD, cũng lớn gần 20 lần so với nước ta, nhưng so với GDP của nước này thì cũng chỉ bằng 29,68%, tức chỉ mới bằng 2/5 độ mở này của nước ta.

Hơn thế, chắc chắn tỷ lệ nguyên liệu trong “rổ hàng hoá nhập khẩu” của những cường quốc này còn thấp xa hơn nữa so với của nước ta, cho nên quy mô nhập khẩu sốt nóng giá nguyên liệu thế giới càng nhỏ hơn.

Các kết qủa tính toán từ các số liệu thống kê về hàng hoá nhập khẩu của nước ta cũng cho thấy rất rõ điều đó.

Rõ ràng, trong điều kiện nhập khẩu sốt nóng giá cả thế giới liên tục tính bằng nhiều tỷ USD và áp đảo so với tăng khối lượng nhập khẩu và với một nền kinh tế quy mô hiện còn quá nhỏ như vậy, nếu giá tiêu dùng không liên tục tăng cao ngất ngưởng từ năm 2004 đến nay thì đương nhiên sẽ có hàng loạt doanh nghiệp, thậm chí nhiều ngành hoặc phân ngành sản xuất đã bị “sập tiệm”.

Đó chính là biểu hiện của sốt nóng giá cả nguyên liệu thế giới đối với lạm phát cao ở nước ta. Đó cũng chính là tác động của lạm phát do chi phí đẩy trong điều kiện “sống nhờ” vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu mà chúng ta buộc phải chấp nhận khi thị trường này “giở chứng” trong gần 4 năm qua và sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng cho đến chừng nào chúng ta thoát khỏi tình trạng này.

Theo Nguyễn Đình Bích
Báo Sài Gòn tiếp thị