Lạm phát cả năm phụ thuộc "ẩn số" giá xăng dầu và giá thịt lợn
(Dân trí) - 2 ẩn số đối với lạm phát cần tính tới trong những tháng cuối năm 2018 là giá xăng dầu và giá thịt lợn.
Tại hội thảo diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2018 diễn ra sáng nay (3/7), PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,22% so với tháng 12 năm trước.
Chỉ số CPI từ tháng 1 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái có tốc độ tăng dần từ mức 2,65% lên mức 4,67% trong tháng 6, bình quân mỗi tháng tăng 0,37%, cao hơn rất nhiều con số 0,03% của 6 tháng đầu năm 2017.
Đánh giá về lạm phát trong những tháng đầu năm, TS Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính - cho rằng, xu hướng gia tăng lạm phát nửa đầu năm không phải là điều bất ngờ vì dự báo từ cuối năm 2017.
“Lý do là trong 6 tháng đầu năm ngoái giá thịt lợn đã giảm tương đối mạnh và vì vậy lạm phát so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm sẽ có xu hướng gia tăng nếu giá thịt lợn không tiếp tục giảm mạnh”, ông Độ nói.
Trên thực tế, giá thịt lợn đã tăng mạnh trong các tháng 5 và 6 của năm 2018, đồng thời khiến lạm phát so với cùng kỳ tăng cao hơn dự báo. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng mạnh cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng là nguyên nhân khiến lạm phát tăng mạnh.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2018, lạm phát nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong tháng 7 và giảm xuống dưới mức 4% (thậm chí có thể là dưới 3%) trong những tháng cuối năm.
"Nguyên nhân chính khiến lạm phát so với cùng kỳ giảm trong thời gian tới là do trong giai đoạn cuối năm 2017, Chính phủ đã điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế và vì vậy chỉ số lạm phát sẽ giảm mạnh nếu giá dịch vụ y tế được giữ nguyên trong những tháng cuối năm 2018”, ông Long cho biết.
Theo ông Long, với lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm nay ở mức 3,29% và lạm phát so với cùng kỳ giảm xuống dưới 4% trong những tháng cuối năm 2018 sẽ đảm bảo rằng lạm phát trung bình của cả năm 2018 cũng được kiểm soát ở mức dưới 4%.
Tuy nhiên, vẫn còn 2 ẩn số đối với lạm phát cần tính tới trong những tháng cuối năm 2018 là giá xăng dầu và giá thịt lợn.
Vị chuyên gia dẫn kịch bản thứ nhất cho biết, nhiều khả năng giá xăng dầu và giá thịt lợn không tiếp tục tăng mà chỉ neo ở mức cao như hiện nay và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,14%/tháng - tương đương mức tăng trung bình của lạm phát cơ bản trong 6 tháng qua - thì lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm xuống mức 3,1% vào cuối năm nay. Đồng thời, lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 3,4-3,5%.
Trong khi đó, kịch bản thứ hai được giả định giá xăng dầu và giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng mạnh và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng - tương đương với mức tăng trong 6 tháng đầu năm - thì lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức 3,8-3,9%.
“Ngay cả ở kịch bản thứ 2 cũng cho thấy mục tiêu lạm phát vẫn có thể đạt được nếu giá dầu tăng lên 80-90 USD/thùng và giá thịt lợn leo lên mức 50.000-60.000 đồng/kg”, ông Long cho biết.
Đồng thời, ông Long cho rằng, về tổng thể, mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình của cả năm 2018 ở mức dưới 4% vẫn “đang nằm trong tầm tay của Chính phủ”.
Về phía cơ quan điều hành, Bộ Tài chính cho rằng, bên cạnh áp lực từ các nhân tố thị trường như biến động giá nhiên liệu (xăng, dầu, gas), giá lương thực, thực phẩm, rủi ro về thiên tai, bão lũ, chỉ số giá tiêu dùng còn chịu ảnh hưởng từ việc điểu chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, tiền lương cơ sở…
Ngoài ra, còn chịu tác động từ thị trường tài chính tiền tệ. Việc nâng lãi suất đồng USD sẽ ảnh hưởng nhất định đến lãi suất và tỷ giá trong nước; tác động từ việc điều tiết ra thị trường nguồn ngoại tệ thu được từ nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rủi ro lạm phát cầu kéo khi hiệu ứng từ giá chứng khoán, bất động sản tăng...
Phương Dung