Làm gì để tiếp cận vốn vay?

Theo lãnh đạo các ngân hàng, phía DN cần cởi mở, minh bạch, trung thực và biết quản lý dòng tiền… để có thể tiếp cận được vốn ngân hàng, kể cả khi DN gặp khó khăn.

Lãi suất cao hiện vẫn được xem là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn ngân hàng. Tuy vậy, phía các ngân hàng cũng “ngại” cho vay trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, bởi rủi ro đang cao hơn so với trong điều kiện bình thường. Giữa doanh nghiệp và ngân hàng đang chưa tìm được tiếng nói chung.

 

Theo khảo sát của Ngân hàng Á Châu (ACB), 30 - 35% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, 30% cho rằng khó tiếp cận, 30% không tiếp cận được.

 

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho hay, để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, Ngân hàng đã tiến hành một cuộc khảo sát riêng trong hệ thống của mình và kết quả cho thấy, rào cản lớn nhất đối với khách hàng vay vốn hiện nay là thủ tục hành chính nhiêu khê (70%). Khó khăn thứ hai là tài sản đảm bảo (50%). Cái khó thứ ba là việc chứng minh khả năng trả nợ (50%).

 

Lãi suất còn ở mức cao nên những doanh nghiệp có sức khỏe và dự án khả thi chưa muốn tiếp cận ngân hàng, bởi sức mua của thị trường giảm mạnh.
 
Làm gì để tiếp cận vốn vay?

 

Theo ông Hải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, về phía ngân hàng, nhân viên không đủ kỹ năng; xử lý hồ sơ xin vay một cách máy móc và thiếu khoa học; kỹ năng tư vấn chưa đạt yêu cầu. Còn về phía doanh nghiệp, cách quản lý của một DNNVV thường theo kiểu gia đình, nên thiếu khoa học, tính minh bạch còn yếu, rất khó thuyết phục ngân hàng hỗ trợ vốn vay. Nhiều doanh nghiệp không chứng minh được dòng tiền khi nào về và khi nào đi, tức không quản lý tốt dòng tiền, khiến ngân hàng ngại cho vay. Khả năng đầu tư của DNNVV cũng yếu kém, có nghĩa năng lực các doanh nghiệp chưa thuyết phục được ngân hàng.

 

Vấn đề tài sản đảm bảo trong quá trình vay vốn hiện được các doanh nghiệp than phiền khá nhiều. Đây là vấn đề “đau đầu” nhất. Doanh nghiệp thì muốn thủ tục thông thoáng, nhanh gọn, còn ngân hàng thì phải kiểm tra và thẩm định kỹ tài sản đảm bảo.

 

Ông Hải cho rằng, để doanh nghiệp và ngân hàng tìm được tiếng nói chung, trước hết, doanh nghiệp cần phải tạo dựng niềm tin cho ngân hàng. Phía ngân hàng cũng cần cải thiện kỹ năng đánh giá doanh nghiệp.

 

Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Huỳnh Bửu Quang cho rằng, các doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin, cởi mở và có thiện chí hơn với các ngân hàng để có thể giãn nợ và tiếp cận vốn mới. Cái khó hiện nay là có rất nhiều doanh nghiệp không hợp tác với ngân hàng, có thái độ trốn tránh. Điều này chỉ dẫn đến quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp xấu đi, buộc ngân hàng phải từ chối hỗ trợ vốn cho khách hàng, đồng thời dùng biện pháp mạnh để xử lý thu hồi nợ.

 

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thành viên HĐQT DongA Bank cho hay, lãi suất chính là rào cản lớn đối với các DNNVV trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay.

 

Theo TS. Kiêm, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp họ có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay hiện nay là cần xem xét để giảm tiếp trần lãi suất huy động, để lãi suất cho vay có thêm điều kiện giảm. Khi đó, các DNNVV mới tính đến việc sử dụng vốn vay để khôi phục hoạt động cũng như mở rộng sản xuất - kinh doanh.

 

“Việc khống chế trần lãi suất cho vay là hợp lý vào thời điểm hiện nay. Còn về lâu dài thì cần bỏ trần lãi suất, tự do hóa lãi suất. Cần cứu sản xuất để giảm số doanh nghiệp phá sản, tạo thêm thời cơ cho doanh nghiệp trụ lại và vượt qua khó khăn để tìm ra nhân tố phát triển. DNNVV đang ở thời điểm khó khăn nhất, nếu vượt qua thì nền kinh tế vượt qua. Khi lãi suất giảm, doanh nghiệp có cơ hội vay vốn và nhu cầu vốn của khách hàng tăng lên, trong đó có cả tín dụng cá nhân… tạo điều kiện để đẩy mạnh sức mua”, TS. Kiêm nhấn mạnh.     

 

Theo Thùy Vinh

ĐTCK