Làm gì để du lịch miền Trung thành điểm đến quốc tế?
(Dân trí) - Mặc dù mỗi năm miền Trung thu hút hàng triệu du khách quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng song thời gian lưu trú và mức chi tiêu vẫn còn thấp khi so sánh với các điểm du lịch khác trong khu vực.
Miền Trung có nhiều lợi thế phát triển du lịch để trở thành điểm đến quốc tế.
Theo số liệu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch đến Việt Nam chỉ từ 1,5 - 2,5 ngày. Trong đó, khách đến Huế lưu trú bình quân 2,1 ngày và chi tiêu 76 USD/khách/ngày; Đà Nẵng là 2,1 ngày và 65 USD/khách/ngày; Quảng Nam cao nhất cũng chỉ 2,6 ngày và 76 USD/khách/ngày.
Lý giải nguyên nhân, các nhà làm du lịch cho rằng, dù đã có nhiều bước chuyển biến, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến miền Trung để xây dựng các resort, khách sạn tầm cỡ quốc tế nhưng trên bình diện tổng thể, trở ngại của miền Trung hiện nay là chuyện hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực.
Song song đó, sự thiếu liên kết giữa các địa phương, chồng chéo trong sản phẩm du lịch và công tác xúc tiến quảng bá còn rời rạc, chưa quy thành một mối... đã kìm hãm sự phát triển của du lịch miền Trung.
Vậy, làm sao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này để du lịch miền Trung sớm cất cánh là những vấn đề đang đặt ra cho các nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương các tỉnh miền Trung cũng như các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và lữ hành tại đây...
Tại buổi hội thảo “Miền Trung - xây dựng điểm đến quốc tế” do UBND tỉnh Quảng Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hội An ngày 19/8, PGS-TS Phạm Trung Lương (Viện nghiên cứu phát triển Du lịch) cho rằng du lịch khu vực này vẫn chưa thực sự phát triển xứng tầm với tiềm năng.
Lượng khách du lịch quốc tế đến miền Trung trong suốt thời gian từ 2000-2009 luôn dao động trong khoảng từ 17-18,6% tổng lượng khách quốc tế đi lại giữa các địa phương trong cả nước và lượng khách nội địa dao động từ 2-2,5% nên đóng góp còn hạn chế, chỉ chiếm 6,89% tổng thu nhập du lịch toàn quốc.
Theo ông Lương, hạn chế lớn nhất của du lịch miền Trung là chưa phát huy đầy đủ những lợi thế nổi bật về tài nguyên du lịch, tính trùng lặp trong phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa bàn, các địa phương trong vùng. Điều này đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến tính hấp dẫn du lịch chung của toàn lãnh thổ.
Tiềm năng lợi thế của miền Trung về du lịch không phải bàn nhưng để du khách “đi còn quay trở lại” là một vấn đề mà các nhà quản lý, các doanh nghiệp hoạt động và các lãnh đạo cũng rất quan tâm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng Cục du lịch) cho rằng, du lịch miền Trung có nhiều điều kiện để trở thành một trong những điểm đến du lịch quốc tế đầy hấp dẫn.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, điểm đến nào mang lại sự khác biệt, điểm đến đó sẽ thành công trên thị trường du lịch quốc tế. Khách du lịch ngày nay luôn khao khát tìm hiểu những điều mới lạ và khác biệt của điểm đến so với những thứ đã có tại quê hương họ hoặc những điểm đến họ đã trải nghiệm.
Do đó, đối với du lịch miền Trung, việc tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng và khác biệt phải luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực và khẳng định vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Một yếu tố không thể không nhắc đến nếu muốn xây dựng miền Trung thành điểm đến quốc tế là nguồn nhân lực. Nhiều chuyên gia cho rằng, thành bại hay không là do con người quyết định, đó là phải cần nhà quản lý giỏi, lãnh đạo doanh nghiệp du lịch có tầm nhìn chiến lược và quan trọng là phải có đội ngũ phục vụ giỏi. Như thế mới có thể đáp ứng được những nhu cầu cao cấp và đa dạng của nhiều tầng du khách khác nhau.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý đối với ngành du lịch miền Trung để trở thành điểm đến quốc tế theo TS. Lê Đăng Doanh là: Du lịch là một sản phẩm phức hợp, đòi hỏi chất lượng chuyên môn cao, lao động chuyên nghiệp và sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và người lao động.
Mặc khác, các địa phương và doanh nghiệp trong khu vực phải liên kết với nhau để tạo ra sản phẩm dụ lịch đặc trưng không trùng lắp của từng vùng đất, có như thế khách du lịch mới không nhàm chán khi đặt chân đến đây.
Công Bính