Lạm dụng vốn trái phiếu Chính phủ: Hàng loạt địa phương, dự án bị "bêu tên"

(Dân trí) - Vốn trái phiếu Chính phủ bản chất là nguồn vốn đi vay, thế nhưng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, nguồn vốn này đang bị các bộ, ngành, địa phương lạm dụng và sử dụng một cách tràn lan, lãng phí.

Lạm dụng, đăng ký vốn tràn lan

Báo cáo vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi lên Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm toán chuyên đề phát hành quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho thấy, do tỷ lệ phát hành vốn TPCP có kỳ hạn ngắn, nhất là kỳ hạn dưới 3 năm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số phát hành (gần 54%) nên đã gây áp lực trả nợ trong ngắn hạn.

KTNN cũng chỉ ra tồn tại trong công tác xây dựng nhu cầu vốn năm 2014 chưa phù hợp: chưa theo thứ tự ưu tiên, chưa căn cứ tiến độ nên một số dự án còn dư vốn lớn chưa giải ngân được phải điều chỉnh kế hoạch vốn hoặc kéo dài thời gian thanh toán.

Dự án Kè sông Cổ Chiên được xây dựng kế hoạch vốn vượt hơn 400 tỷ đồng
Dự án Kè sông Cổ Chiên được xây dựng kế hoạch vốn vượt hơn 400 tỷ đồng

Ngoài ra, có tình trạng xây dựng vượt kế hoạch vốn giai đoạn như tại tỉnh Vĩnh Long, dự án kè sông Cổ Chiên - TP. Vĩnh Long mức vốn TPCP 1.000 tỷ đồng nhưng đơn vị xây dựng kế hoạch vốn 1.417 tỷ đồng; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long mức vốn TPCP 54 tỷ đồng nhưng đơn vị xây dựng kế hoạch vốn hơn 88 tỷ đồng...

Báo cáo kiểm toán cũng cho thấy, có những địa phương thậm chí đăng ký cho cả các dự án đã bố trí đủ vốn; không báo cáo chính xác số liệu đã phân bổ hàng năm... dẫn đến xác định vượt nhu cầu.

Lấy ví dụ như tại tỉnh Yên Bái, dự án đường Mường La - Mù Cang Chải được tỉnh Yên Bái phê duyệt tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng và sử dụng 100% vốn TPCP, vượt 25 tỷ đồng. Tại tỉnh Bạc Liêu, bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Lợi có tổng giá trị vốn TPCP phân bổ vượt tổng mức vốn đã phê duyệt 5,8 tỷ đồng nguyên nhân do địa phương khi báo cáo đăng ký nhu cầu vốn không cập nhật đúng số liệu đã phân bổ của giai đoạn trước đó.

Tỉnh Kiên Giang, Điện Biên Thái Bình, Lào Cai, thành phố Cần Thơ xây dựng cho dự án không được sử dụng vốn TPCP. Tỉnh Nam Định, Thái Bình, Gia Lai, Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Nam... đối ứng cho dự án ODA không đúng đối tượng, vượt tỷ lệ.

KTNN cũng nhận xét, trong năm 2014, công tác phân bổ vốn từ trung ương đến các bộ, ngành, địa phương tuy đã khắc phục so với năm 2013 nhưng vẫn còn tồn tại việc phân bổ vốn của trung ương cho các bộ, địa phương giao chưa sát và không phù hợp với nhu cầu, thậm chí giao cho dự án địa phương không ký. Như dự án Km37 Quốc lộ 279 - Nặm Lịch tại tỉnh Điện Biển mặc dù tỉnh không đăng ký nhưng vẫn được giao 872 triệu đồng...

Cho tạm ứng vốn khi chưa có hồ sơ

Trong công tác phân bổ kế hoạch vốn của các bộ địa phương phân bổ chưa sát thực tế, phải điều chỉnh, trong đó có dự án điều chỉnh lớn, thậm chí phải điều chỉnh toàn bộ kế hoạch sang dự án khác, hoặc phải kéo dài thanh toán sang năm sau. Trong khi đó lại còn nhiều dự án còn thiếu vốn, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Có những vấn đề nhức nhối cũng được Kiểm toán đề cập như phân bổ vượt tổng mức vốn TPCP được hỗ trợ, vượt tổng mức đầu tư được duyệt, sai đối lượng; điều chỉnh kế hoạch vốn không chính xác, dẫn đến kế hoạch vốn sau khi điều chỉnh vượt kế hoạch vốn giai đoạn.

Cũng theo KTNN, trong công tác giải ngân, thanh toán, quản lý vốn tạm ứng còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến có dự án đã hoàn thành từ nhiều năm trước hoặc hết thời hạn thực hiện hợp đồng vẫn chưa thu hồi tạm ứng; có trường hợp cho tạm ứng khi chưa có hồ sơ... Chẳng hạn như dự án đường Tam Đường - bản Hon - Bình Lư (tỉnh Phú Thọ) tạm ứng từ 26/4/2014 nhưng đến tháng 5/2015 vẫn chưa có hồ sơ tạm ứng tại Kho bạc Nhà nước.

KTNN cũng thẳng thắn "phê" chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán còn hạn chế, chưa phù hợp thực tế, phải điều chỉnh, bổ sung làm chậm tiến độ thực hiện. Thậm chí, có dự án được duyệt còn trùng lý trình đã được đầu tư từ nguồn vốn khác.

Hầu hết các dự án còn chậm tiến độ, nguyên nhân do thiếu vốn bố trí cho các dự án theo kế hoạch đầu tư hoặc đình hoãn, giãn tiến độ nên không bố trí vốn. Có dự án do công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, điều kiện thi công gặp khó khăn, công tác khảo sát, thiết kế chưa phù hợp phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thi công và do năng lực nhà thầu hạn chế.

Trong công tác đến bù giải phóng mặt bằng, kết quả kiểm toán cho biết, KTNN đã giảm trừ 510,6 tỷ đồng, gồm sai khối lượng 268 tỷ đồng, sai đơn giá 79,3 tỷ đồng, sai khác 163,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, đến 31/1/2015, có 40/60 bộ, ngành, địa phương được kiểm toán còn có nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn TPCP 5.052 tỷ đồng, nguyên nhân một phần do chưa bố trí vốn trả nợ các dự án đã hoàn thành hoặc chưa bố trí do chờ quyết toán hoặc do một số nhà thầu thi công vượt kế hoạch vốn.

KTNN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN, trong đó, xử lý tài chính 807,8 tỷ đồng.

Bích Diệp

Lạm dụng vốn trái phiếu Chính phủ: Hàng loạt địa phương, dự án bị "bêu tên" - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm