1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ trưởng Vinh: Thất thoát, lãng phí vốn nhà nước đã ở mức “nghiêm trọng”!

(Dân trí) - Tuy không đưa ra được con số định lượng như đại biểu Quốc hội yêu cầu, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đánh giá, việc sử dụng lãng phí, gây thất thoát nguồn lực nhà nước, đặc biệt là tại các công trình sử dụng vốn nhà nước rất nghiêm trọng và chưa kiềm chế được.

Tại phiên chất vấn ngày 17/11, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi tới 3 bộ: Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, đề nghị tính toán, định lượng được những thất thoát lãng phí vẫn còn nghiêm trọng trong việc quản lý các nguồn lực nền kinh tế, nhất là trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước.

Ông Phúc đặt câu hỏi: Liệu các bộ có thể ước tính những thất thoát lãng phí đó chiếm bao nhiêu phần trăm GDP trong nhiệm kỳ 2011 đến nay hay không?

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh (Ảnh: quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng nay (18/11), thay mặt các Bộ trả lời, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhận xét: “Với câu hỏi này, tôi nghĩ rằng đại biểu Nguyễn Văn Phúc rất hiểu vì anh Phúc là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và nhiều năm trong lĩnh vực này”.

Bộ trưởng khẳng định, việc định lượng con số lãng phí, thất thoát là “có thể” tuy nhiên để đảm bảm chính xác thì “khó có thể” vì phạm vi câu hỏi rất rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực từ tài nguyên khoáng sản đến nguồn nhân công, nhân lực...

Theo ông, nếu cộng các số liệu do Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, thanh tra của các bộ ngành công bố thì có thể ra con số thất thoát lãng phí, tuy nhiên con số này không đủ. Sử dụng vốn ngân sách nhà nước đi học nước ngoài mà không hiệu quả là lãng phí, trong mua sắm không được giá cũng là lãng phí...

Mặc dù Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã rất quyết liệt trong việc ngăn chặn, hạn chế thế nhưng, theo đánh giá của Bộ trưởng Vinh, việc sử dụng lãng phí, gây thất thoát nguồn lực nhà nước, đặc biệt là tại các công trình sử dụng vốn nhà nước vẫn còn nghiêm trọng, hiện tượng này chưa kiềm chế được, thậm chí là vẫn còn lớn.

“Chúng ta thống nhất với nhau là cái này lớn nhưng lớn bao nhiêu, định lượng được trên tất cả các lĩnh vực thì tôi nghĩ không phải đơn giản” – Bộ trưởng thừa nhận. “Nếu nói có thể tính được không thì 3 Bộ có thể làm được điều đó, tất nhiên chỉ ở mức độ nhất định, song phải có thời gian”.

Ông Vinh cho biết, cách đây hơn 2 năm, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) từng đặt câu hỏi tương tự nhưng cụ thể hơn. Theo đó, vị đại biểu này đề nghị cho biết thất thoát lãng phí, kém hiệu quả tại các dự án, công trình trong nhiệm kỳ.

“Tôi đã làm công văn giải thích lãng phí, thất thoát theo luật là ra sao, đề nghị các Bộ, các địa phương sử dụng vốn nhà nước trong đầu tư công báo cáo lại để trả lời cho đại biểu. Sau khoảng 7 tháng đôn đốc rất nhiều lần thì chỉ 7 địa phương và khoảng 5 tập đoàn lớn là có báo cáo kê khai” – Bộ trưởng Vinh nói.

Ông cũng dẫn lại câu chuyện trước đây tại Quốc lộ 70 tuyến Hà Nội – Lào Cai do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, công an tỉnh Lào Cai bắt được vụ đội trưởng đội thi công cầu Bản Phiệt rút bớt thép trên cầu. Tuy nhiên, khi khai báo, người vi phạm cho biết, rút bớt vì trong thiết kế thừa và do bên thiết kế được “ăn” theo tỉ lệ phần trăm của giá trị công trình.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Vinh đề nghị cần phải xem lại cơ chế kiểm tra, thẩm định, giám sát. “Lãng phí thất thoát ngay ở khâu thẩm định các dự án đầu tư chứ không chỉ ở khâu thi công dự án” – Bộ trưởng nhận định.

Tư lệnh ngành kế hoạch đầu tư yêu cầu cần phải ngăn chặn tình trạng này, “đây là công việc lâu dài và khó khăn nhưng chúng ta phải làm. Tôi chia sẻ với Quốc hội và đại biểu rằng, đây là vấn đề nhức nhối và cần phải ngăn chặn, còn để định lượng thì không đơn giản".

Bộ trưởng cũng nhìn nhận, điều quan trọng hơn là làm sao siết chặt lại các quy định trong định mức thiết kế, đấu thầu, thi công… phải kiểm soát để việc sử dụng đồng vốn nhà nước hiện đang ít ỏi phải đạt hiệu quả.

Cũng tại Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng gán trách nhiệm để thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản với các bộ ngành chủ quản, bởi chỉ những bộ này mới là đơn vị “tiêu tiền”.

Bích Diệp

Bộ trưởng Vinh: Thất thoát, lãng phí vốn nhà nước đã ở mức “nghiêm trọng”! - 2