1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dự án ODA “đội vốn khủng, lãng phí lớn”: Hiểm họa nợ công!

(Dân trí) - Ghi nhận những đóng góp quan trọng của ODA đối với nền kinh tế song đại biểu Lê Thị Công cũng cảnh báo về nguy cơ tăng gánh nặng nợ quốc gia, tăng sự phụ thuộc nước ngoài nếu sử dụng nguồn vốn này không hiệu quả.

Tại phiên thảo luận sáng nay (2/11), đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, mặc dù việc thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA những năm qua mang lại nhiều ý nghĩa cho nền kinh tế, nhưng đằng sau đó cũng ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và rủi ro.

Vị đại biểu ghi nhận, trong giai đoạn phát triển vừa qua, việc thu hút ODA đã đạt nhiều kết quả tích cực, tổng vốn ODA ký kết và giải ngân đều tăng cao.

Từ năm 1993 đến năm 2014, tổng giá trị ODA cam kết cho Việt Nam đã lên tới 89,5 tỷ USD. Tổng vốn đã ký kết là 73,69 tỷ USD, bình quân 3,5 tỷ USD/năm.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Công
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Công

“Đội vốn khủng, lãng phí lớn”

Trong điều kiện nguồn ngân sách eo hẹp, để cân đối cho đầu tư, cho phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, giải quyết môi trường, an sinh xã hội… phải thừa nhận ODA là nguồn lực quan trọng. Chính nhờ một phần từ nguồn vốn này, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, bà Công cũng chỉ ra, việc huy động và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua còn nhiều yếu kém, trong đó bộc lộ rõ là thất thoát, lãng phí. Việc sử dụng ODA thường kèm theo hình thức chỉ định thầu nên thiếu cạnh tranh.

Nhiều dự án ODA bị “đội” vốn lên rất nhiều so với dự toán ban đầu, có một số dự án thiếu hiệu quả. Cụ thể như dự án dầu cám ở Bến Tre, dây chuyền dệt bao đay ở TPHCM. Hai dự án này vay vốn ODA của Ấn Độ nhưng vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu, nơi tiêu thụ nên khi bàn giao không hoàn toàn vận hành được…

Bên cạnh đó, việc quản lý, kiểm soát nguồn vốn ODA cũng chưa chặt chẽ dẫn đến thất thoát, lãng phí, trong đó có lãng phí do bị chậm tiến độ, do suất đầu tư cao, không phát huy hiệu quả.

Vị đại biểu dẫn chứng, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã thay đổi phương án thiết kế, bổ sung thêm một số hạng mục làm tổng vốn dự án bị “đội” lên với chi phí phát sinh “khủng”. Dự án này đã bị chậm tiến độ hơn 2 năm đồng thời bị đội vốn hơn 61% (339 triệu USD).

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội có dự toán là 783 triệu Euro, trong đó vốn ODA là 653 triệu Euro, vốn đối ứng từ ngân sách là 130 triệu Euro. Đến tháng 7/2014, phải bổ sung 393 triệu Euro, trong đó vay thêm 304,99 triệu Euro. Đã xảy ra tham nhũng tại dự án này, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới lợi ích xã hội, hình ảnh của Việt Nam với bên tài trợ.

Theo đại biểu Công, sự hạn chế trong công tác quản lý sử dụng vốn ODA xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thường tăng cao, thủ tục phê duyệt dự án rườm rà, bộ máy cồng kềnh; trách nhiệm của các bên khi thực hiện dự án không rõ ràng, không phân định được trách nhiệm của đơn vị thực hiện trong trường hợp dự án không hiệu quả…

Tiềm ẩn nhiều bất lợi nếu không sử dụng ODA hiệu quả

Trước Quốc hội, đại biểu Lê Thị Công đánh giá, ODA là nguồn vốn tiềm ẩn nhiều hậu quả bất lợi nếu như nước tiếp nhận ODA sử dụng không hiệu quả, làm tăng gánh nặng nợ quốc gia, tăng sự phụ thuộc nước ngoài.

Nguồn vốn ODA có thể tạo ra sự tăng trưởng nhất thời nhưng sau một thời gian sẽ lâm vào tình trạng nợ nần do không có khả năng trả nợ. Do vốn ODA không được đầu tư trực tiếp cho sản xuất và xuất khẩu trong khi trả nợ phải dựa vào việc xuất khẩu để thu ngoại tệ.

“Tâm lý coi ODA là khoản viện trợ cho không đã dẫn đến tình trạng sử dụng lãng phí, kém hiệu quả chứ không nhận thức một cách nghiêm túc đó là khoản nợ phải trả trong tương lai”, vị đại biểu này nhận xét.

Theo đại biểu Lê Thị Công, trong điều kiện thực tế hiện nay, nợ công quốc gia đang gia tăng; chiếm 61,3% GDP, gây tác động lớn đến nền kinh tế và dễ dẫn đến mất kiểm soát trong tương lai gần. Do đó, cần phải triển khai các giải pháp để đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, tránh thất thoát, lãng phí.

Theo đề xuất của bà Công, Quốc hội cần có thẩm quyền về việc phân bổ nguồn vốn này như một nguồn vốn của ngân sách theo quy định của luật ngân sách. Cần có quy hoạch sử dụng ODA trong chiến lược phát triển ngành và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Việc vay ODA cần được thống nhất, minh bạch, đảm bảo khả năng trả nợ an toàn và bền vững, đặt trong chiến lược vay, trả nợ nước ngoài. Cần đặt kế hoạch giảm dần việc vay vốn ODA trong tương lai gần nhằm giảm áp lực gia tăng nợ công…

Bích Diệp

 

Dự án ODA “đội vốn khủng, lãng phí lớn”: Hiểm họa nợ công! - 2