Lâm Đồng bác tin đồn thất thiệt chè bị nhiễm dioxin

(Dân trí) - Sau khi báo chí Đài Loan đăng tải thông tin hàng nông sản của Việt Nam bị nhiễm dioxin thì 70 container chè trị giá hàng trăm tỉ đồng của các doanh nghiệp Lâm Đồng bị ách lại tại cảng, chưa được thông quan vào Đài Loan.

Lâm Đồng bác tin đồn thất thiệt chè bị nhiễm dioxin
Các mặt hàng nông sản của Lâm Đồng, trong đó có mặt hàng chè không sản xuất trên vùng đất nhiễm dioxin, nên không có dư chất dioxin (ảnh: Báo Lâm Đồng).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Ngày 19/11, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng công bố thông tin cho biết, thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng của Đài Loan đã đăng tải thông tin hàng nông sản của Việt Nam trong đó có chè, cà phê bị nhiễm dioxin do trồng trên vùng đất nhiễm dioxin, đồng thời khuyến cáo người dân Đài Loan không sử dụng các sản phẩm này. 

Những thông tin thất thiệt trên đã khiến cho một số doanh nghiệp tại Lâm Đồng gặp khó khăn khi xuất khẩu chè vào Đài Loan. 

Chi hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện có 70 container chè trị giá hàng trăm tỉ đồng của các doanh nghiệp Lâm Đồng đang bị ách lại tại cảng, chưa được thông quan vào Đài Loan.

Ngày 19/11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Chi hội Thương mại Đài Loan tỉnh, khẳng định: Trong chiến tranh chỉ có hai khu vực tại Lâm Đồng bị quân đội Mỹ rải chất độc da cam dioxin, đó là khu vực giáp ranh giữa huyện Cát Tiên với tỉnh Bình Phước và khu vực xã Gia Bắc, huyện Di Linh giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. Đây là những vùng đồi núi, không sản xuất nông nghiệp, nằm cách xa các vùng sản xuất chè, cà phê, rau, hoa… của tỉnh. Vì vậy, các mặt hàng nông sản của Lâm Đồng, trong đó có mặt hàng chè không sản xuất trên vùng đất nhiễm dioxin, nên không có dư chất dioxin.

Trước đó, Chi hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng đã có Đơn đề nghị số LD141106-01 ngày 6/11/2014 về việc đề nghị xác nhận thông tin vùng đất Lâm Đồng không nằm trong vùng nhiễm độc dioxin.

Sau khi nghiên cứu Đơn đề nghị trên và các bản dịch các thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan, UBND tỉnh Lâm Đồng nhận thấy việc các phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan đăng tải các thông tin trên không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động, sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường thế giới. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh xác minh, làm rõ về thông tin nêu trên.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thực tế trong hơn 30 năm qua, các doanh nghiệp của tỉnh đã sản xuất và xuất khẩu trà, cà phê, rau, hoa và các sản phẩm khác trong nông nghiệp sang nhiều nước trên thế giới. Với sản phẩm cà phê, thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước EU, Châu Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Úc, Ấn Độ, New Zealand... 

Trong năm 2013, mặt hàng cà phê đã xuất khẩu sang các thị trường mới: Montenegro, Armenia; mặt hàng chè đã xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc, các nước EU, Nhật, Indonesia, Châu Mỹ, Malaysia, Singapore...; mặt hàng rau các loại xuất sang thị trường Châu Á như: Nhật, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia...; hoa các loại xuất sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, một số nước EU, Úc, Mỹ...; hạt điều nhân xuất sang các nước Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Mỹ, Úc… Đây đều là những thị trường nổi tiếng là “thị trường khó tính” trên thế giới về tiêu chuẩn kiểm định và đánh giá khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường nội địa.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: hàng hóa xuất khấu của Lâm Đồng, đặc biệt là mặt hàng nông sản của Lâm Đồng không bị nhiễm dư lượng của chất dioxin trong chiến tranh cũng như nhiễm bất cứ một dư lượng chất bảo vệ thực vật nào khác như các phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan đã phản ánh.

UBND tỉnh cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có phản hồi về mặt khoa học trong việc kiểm nghiệm dư chất dioxin trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có tỉnh Lâm Đồng và sẽ thông tin đến Văn phòng đại diện Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam để có phản hồi với các cơ quan truyền thông Đài Loan về các nội dung trên.

Bích Diệp
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm