1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Làm cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn: Nhà đầu tư tính vay vốn Trung Quốc?

(Dân trí) - Dự án cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) giảm tổng mức đầu tư từ 47.000 tỷ đồng xuống còn gần 21.000 tỷ đồng, nhiều người đặt câu hỏi: Tiền đâu? Theo nhà đầu tư dự án, nếu không vay được vốn trong nước thì sẽ tính tới việc vay vốn của nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Trước đây, dự án được đề xuất dài 144 km, tổng mức đầu tư dự kiến là 47.000 tỷ đồng vốn vay Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới của tư vấn độc lập, dự án sẽ được nắn thẳng tuyến, rút ngắn 29 km, trên tuyến có 6 hầm xuyên núi và 18 cầu cạn, tổng mức đầu tư là 20.938 tỷ đồng, giảm hơn 26.000 tỷ đồng so với trước.

Kết quả khảo sát và dự báo nhu cầu vận tải cho thấy, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong khoảng 10 năm đầu khai thác (2023 - 2032) đạt khoảng 6.000 - 10.000 xe/ngày đêm, chỉ bằng 1/3 so với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tại cùng thời điểm.

Cuối tháng 11 vừa qua, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cho biết đã mời nhà đầu tư Đèo Cả tham gia Dự án cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí chủ trương đầu tư dự án này theo hình thức đối tác công - tư (PPP), coi đây là một đột phá, là bước đi chiến lược giúp Cao Bằng phát triển, nên phải quyết tâm làm cho được. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng nghiên cứu kỹ để có cơ cấu nguồn vốn hợp lý và chỉ đích danh một ngân hàng trong nước làm đầu mối để thu xếp tín dụng cho dự án.

Tuyến cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn đã được Thủ tướng nhất trí chủ trương đầu tư
Tuyến cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn đã được Thủ tướng nhất trí chủ trương đầu tư

Cần phải nói thêm rằng, Dự án cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng giảm 29km chiều dài và 26.000 tỷ đồng tổng mức đầu là do nghiên cứu mới của đơn vị tư vấn và hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, điều chỉnh điểm đầu kết nối với cao tốc Tân Thanh - Cốc Nam và Hữu Nghị - Chi Lăng, kết hợp với hầm xuyên núi và cầu vượt địa hình. Tức là, tính khả thi của Dự án cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng phụ thuộc vào Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, và nếu cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng không đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra thì cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng cũng bị “lụt” tiến độ.

Tuy nhiên, trên thực tế, Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn đang trong giai đoạn xem xét để cấp tín dụng, nhà đầu tư và đơn vị cung cấp tín dụng vẫn chưa “gỡ” được những “nút thắt” trong đàm phán về vốn vay.

Trả lời PV Dân trí, nhà đầu tư cho biết chưa dám khẳng định sẽ hoàn thành dự án Hữu Nghị - Chi Lăng vào năm 2020.

Trong bối cảnh nói trên, để thực hiện được dự án cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn, nhiều người đặt câu hỏi: Tiền đâu? Đại diện nhà đầu tư cho biết: Trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng trong nước để tháo gỡ các vướng mắc, thu xếp nguồn vốn tín dụng cho dự án.

“Nếu trường hợp các vướng mắc không thể tháo gỡ, vay vốn trong nước không được thì chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài, thậm chí là vay vốn của Trung Quốc và chịu ràng buộc từ đối tác tín dụng Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi hi vọng sẽ vay được vốn của đơn vị tín dụng trong nước, vì vốn trong nước sẽ thuận lợi hơn, tối ưu hơn vốn nước ngoài…” - đại diện nhà đầu tư Đèo Cả cho hay.

Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn chưa khai thông được nguồn vốn để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào năm 2020
Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn chưa "khai thông" được nguồn vốn để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào năm 2020

Cao Bằng nằm cách Thủ đô Hà Nội gần 300km, là tỉnh có hơn 333km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài nhất. Để tiếp cận Cao Bằng phải di chuyển bằng đường bộ với hai tuyến QL3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) và QL.4A (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng), thời gian di chuyển từ 7 - 8 tiếng.

Ông Lại Xuân Môn - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định, cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng là khát vọng bao đời nay của nhân dân tỉnh Cao Bằng, nhiều khóa lãnh đạo mong muốn xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông mà chưa thực hiện được. Tỉnh cam kết có các chính sách hỗ trợ cho dự án, đảm bảo đúng quy định, trong trường hợp lưu lượng xe khó khăn, tỉnh sẽ nghiên cứu những phương án hỗ trợ khác, sẽ có những Nghị quyết cụ thể. Nhà đầu tư không phải lo rủi ro về tư duy nhiệm kỳ do thay đổi chính sách.

Châu Như Quỳnh

Làm cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn: Nhà đầu tư tính vay vốn Trung Quốc? - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm