1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Làm ăn cuối năm: Trữ hàng hay trữ tiền?

Tất bật xem mẫu hàng từ nước ngoài gửi đến. Đi một vòng các nước khu vực châu Á, Úc, Mỹ để tìm kiếm, gặp gỡ các nhà cung cấp. Đó là chuyện của những ngày đầu tháng 10 các năm trước. Năm nay, đối với nhiều doanh nhân, mọi chuyện đã khác.

Làm ăn cuối năm: Trữ hàng hay trữ tiền? - 1
Năm nay, các doanh nghiệp tỏ ra cân nhắc hơn khi chuẩn bị hàng bán Tết.
 
Những ngày đầu tháng 10 năm nay, bà Hồng, Giám đốc Công ty Thương mại An Phong vẫn đang làm việc tại văn phòng với nhịp điệu chậm rãi, rảnh rang. Bà nói: “Lượng đặt hàng nhập trực tiếp từ nước ngoài chỉ bằng 20% năm ngoái”.

Không vội trữ hàng

Lý do mà bà Hồng không chủ động nhập hàng, dù biết hễ đến tết thì các loại thực phẩm – nhất là bánh kẹo, nước giải khát các loại thường tiêu thụ tăng gấp cả chục lần các tháng trong năm, là do chưa lường được sức mua sẽ tăng như thế nào khi giá cả đang tăng, trong khi số lượng nhà cung cấp thực phẩm ngoại nhập tham gia cạnh tranh đã tăng khá nhiều trong 2 năm gần đây.

Bà Hồng phân tích: “Giá USD tăng đẩy giá hàng nhập tăng. Các loại thực phẩm sản xuất tại Việt Nam cũng tăng giá do nguyên liệu chính là bột, đường, bơ… đều tăng. Giá tăng, có thể người tiêu dùng sẽ mua ít đi. Họ chấp nhận giảm nhu cầu cá nhân, nhưng có thể chọn hàng cao cấp có nguồn nhập từ châu Âu hoặc Mỹ để làm quà biếu tặng. Do vậy nếu nhập loại hàng giá trung bình từ các nước châu Á như Malaysia, Thái Lan, Philippines… cần phải cân nhắc thật kỹ”.

Cho đến thời điểm này, bà Đào, Giám đốc Công ty Phân phối Thực phẩm và Hương liệu ở quận Bình Thạnh mới nhận được chưa đến 20 đơn hàng đặt các loại thực phẩm, rượu, sôcôla… cho giỏ quà tết từ các khách quen là chủ shop so với mức gần 80 đơn hàng của cùng kỳ năm ngoái.

Bà Đào cho biết đã ứng vốn để mua một số lượng bằng 50% tết năm ngoái các loại thực phẩm nhập từ Pháp và Tây Ban Nha. Bà vẫn chưa dám đặt thêm vì không tính được giá cả thị trường sẽ biến động thế nào.

Điều bà Đào lo nhất là đặt nhập sớm, khi giá USD tăng, cũng khó bán được giá cao. Bà nói: “Thà để sát nút, nhập giá cao bán giá cao theo nhu cầu, bạn hàng dễ chập nhận hơn”.

Tiền hơn hàng?

“Tôi không trữ hàng, mà chỉ trữ tiền mặt cho đợt kinh doanh cuối năm nay”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Chủ hệ thống siêu thị Citimart nói.

Giá USD tăng, giá hàng hoá tăng liên tục, mà sức mua thì trồi sụt bất thường, khó dự đoán, nên bà Hoa cho rằng trữ hàng sẽ không mang lại lợi nhuận cao, mà phải tuỳ cơ ứng biến theo thị trường.

Nguồn cung cấp hàng nội lẫn ngoại hiện nay rất dồi dào. Theo phân tích của bà Hoa, với xu hướng giá tăng thì nhập khẩu hàng ngoại hay mua hàng nội dự trữ sẵn sẽ được ưu thế giá rẻ ở hiện tại. Mua rẻ, bán giá rẻ, siêu thị có đông khách nhưng thực tế nhà kinh doanh không tăng thêm được lợi nhuận.

Qua nhiều đợt trữ hàng để có giá bán thấp từ năm ngoái đến nay ở hệ thống Citimart cho thấy, hễ giá rẻ thì người tiêu dùng lẫn người đầu cơ dồn vào mua rất nhanh, số lượng bình quân tháng có thể gấp 10 lần.

Nhưng tổng lợi nhuận từ bán hàng giá rẻ vẫn chỉ tương đương với bán giá bình thường, vì nhà kinh doanh phải tốn chi phí lưu kho, bốc dỡ hàng, tăng cường nhân viên khi có khách đông… Chưa kể đến nếu muốn trữ hàng số lượng lớn, đi vay ngân hàng, thì khách quen như Citimart cũng phải chịu lãi suất khoảng 1,2 – 1,3%/tháng.

Nếu trữ hàng từ nay đến tết, trong 3-4 tháng mới bán hết coi như huề vốn khi mức lãi để bán hàng giá rẻ kéo khách chỉ còn 1-2% so với mức bình thường 3-5%.

Thay vào đó, nếu trữ tiền mặt (hoặc USD), khi cần yêu cầu nhà cung cấp đổ hàng liền, trả ngay, được chiết khấu thêm 1- 2%, dùng mức chiết khấu này giảm thẳng vào giá hay tăng cường quảng cáo thì hiệu quả đạt được vẫn như trữ hàng.

Vì vậy bà Hoa lên kế hoạch chỉ trữ tối đa trong vòng một tháng với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Còn lại các mặt hàng khác đặt mua liên tục, kể cả hàng nhập lẫn sản xuất trong nước.

Với cách trữ tiền mặt, bà Hoa cho rằng sẽ chủ động kinh doanh tốt hơn trước sức mua của thị trường dịp cuối năm.

Nỗi lo bảo toàn vốn

Bà Nguyễn Thị Chi, chủ sạp bán sỉ ở chợ An Đông và có hệ thống shop bán hàng thời trang ở khu vực quận 3, quận 5 cho biết: “Vốn gia đình mang ra xuất phát từ vàng, khi mua bán hàng nhập tôi chuyển sang USD. Hiện nay vàng và USD đều tăng giá nên tôi không dám ứng vốn mua hàng”.

Bà Chi chọn cách mua gối đầu từ các mối khác để bán, chấp nhận lãi thấp hơn. Con gái bà Chi tính toán, theo cách mua hàng này thì phần lãi chỉ còn khoảng 5%, thấp hơn so với bỏ vốn ra đặt hàng độc quyền có thể lãi đến 15 – 20%. Nhưng cách này sẽ đảm bảo vốn không bị hụt nếu USD, vàng tăng giá.

Ông Lương Vạn Vinh, chủ công ty Mỹ Hảo vừa bỏ ra hơn 50 tỉ đồng để mua nguyên liệu hoá chất sản xuất chất tẩy rửa. Ông Vinh cho biết: “Giá USD tăng, nhưng giá nguyên liệu sản xuất đang tăng mạnh. Dự trữ nguyên liệu là cách bảo tồn vốn khá an toàn”.

Theo Bích Nga
Báo SGTT