1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lãi suất tiết kiệm thấp hiếm có: Chọn găm vàng hay tích đất

“Đầu tư vào đâu và như thế nào cho hiệu quả?” là câu hỏi của bất cứ ai có nhu cầu gia tăng lợi nhuận từ đồng vốn của mình - dường như càng được quan tâm hơn bao giờ hết.

Vàng, chứng khoán hay bất động sản

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, tại hội thảo “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả”, bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và việc các kênh đầu tư truyền thống đang thay đổi theo một cách khó dự báo hơn, dòng tiền thông minh vẫn không chịu ngủ yên và đang chực chờ tìm đến những địa chỉ hấp dẫn.

Theo ông Minh, đại dịch kết thúc khi nào vẫn còn là ẩn số, song chắc chắn sự biến động của các kênh đầu tư vẫn còn tiếp diễn và trạng thái bình thường mới sẽ tạo ra những quy luật vận động mới. Sẽ có những kênh đầu tư trở nên khó khăn và bớt thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư, nhưng cũng sẽ có những kênh hoặc phương thức đầu tư mới mở ra, hứa hẹn lợi suất lớn hơn trong tương lai.

Kênh đầu tư được nhắc đến đầu tiên là vàng. Trong 1 năm qua, giá vàng thế giới tăng khoảng 26%. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ, cho rằng, giá vàng còn nhiều cơ hội tăng giá.

Lãi suất tiết kiệm thấp hiếm có: Chọn găm vàng hay tích đất - 1

Nhiều nhà đầu tư quan tâm tới vàng

Theo các dự báo từ giới phân tích tài chính trên thế giới cũng như đánh giá của ông Hải, vàng không khó để lấy lại ngưỡng 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay. Thậm chí, một số dự báo còn lưu ý giá vàng sẽ tăng lên mức 2.100-2.200 USD/ounce trong quý đầu năm 2021, khi chính sách tài khóa và tiền tệ ở các nước phát triển tiếp tục đẩy lãi suất xuống thấp và thúc đẩy nhu cầu phòng ngừa lạm phát.

Còn kênh chứng khoán, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital, nhận định, sự tăng trưởng tích cực về thanh khoản một phần nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm, kênh đầu tư chứng khoán, với yêu cầu vốn đầu tư thấp và có tính thanh khoản cao, đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.

Kể từ tháng 3/2020, thị trường chứng khoán đã có sự phục hồi rất ấn tượng với VN-Index tăng 42% kể từ đáy ngày 24/3. Điều này cho thấy, dù cú sốc dịch bệnh làm nhà đầu tư lo sợ và choáng váng, nhưng cũng đã xuất hiện cơ hội lớn cho các nhà đầu tư dài hạn và ngắn hạn.

Ở lĩnh vực bất động sản, ông Michael Piro, Giám đốc Điều hành Indochina Capital, cho rằng, đây là kênh sinh lời tốt nhất trong bối cảnh Covid-19. Theo ông, bất động sản có thể tạo ra nguồn thu nhập hàng tháng, đều đặn hơn cả vàng và cổ phiếu, với mức lợi nhuận có thể đạt hơn 10%. Giá bất động sản và lợi suất cho thuê đang có xu hướng cải thiện đối với chủ sở hữu bất động sản khi chi phí sinh hoạt đang không ngừng tăng.

Kênh mới nhiều rủi ro

Một trong những xu hướng nổi lên kể từ khi Covid-19 xuất hiện là xu thế kinh doanh số. Đã xuất hiện nhiều hình thức hoạt động, sản xuất kinh doanh mới ứng dụng công nghệ.

Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL đánh giá, thị trường hàng hóa phái sinh là một thị trường ít rủi ro và an toàn hơn cho các nhà đầu tư khi hoạt động này có tính pháp lý và có tính minh bạch cao và đây cũng là một thị trường tiềm năng.

Kênh đầu tư mới nổi đáng chú ý nữa tiền điện tử,“tiền ảo” - một loại tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, rủi ro rất lớn với kênh đầu tư này là tính pháp lý. Ở Việt Nam, tiền ảo không được công nhận là tài sản hay phương tiện thanh toán. Vì vậy, khi có xung đột hay tranh chấp xảy ra thì quyền lợi và lợi ích của nhà đầu tư sẽ rất khó được bảo vệ.

Lãi suất tiết kiệm thấp hiếm có: Chọn găm vàng hay tích đất - 2

Tiền ảo nhiều rủi ro

Chia sẻ kỹ hơn về cơ hội đầu tư trong kinh doanh số, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam, chỉ ra kinh tế số và thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng từ 20-30% năm trong những năm vừa qua.

Bà Dương đánh giá, thông qua không gian số, bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào mà mỗi cá nhân có khả năng cung cấp đều có thể là nguồn tài sản của nền kinh tế số. Mỗi cá nhân có thể đầu tư tài sản của mình (có thể là tài sản vật lý, phi vật lý, hay tài sản trí tuệ) vào bất cứ khu vực, lĩnh vực nào của nền kinh tế số.

“Thị trường số là một thị trường mở, với cơ hội mở ra một cách công bằng cho bất cứ ai tham gia thị trường. Việc nắm bắt và phát huy được các cơ hội này tùy thuộc vào khả năng nhanh nhạy, đánh giá đúng về đối tượng sử dụng dịch vụ, am hiểu về thị trường (có thể là thị trường đại chúng hay thị trường ngách), cũng như chất lượng sản phẩm dịch vụ được cung cấp của mỗi cá nhân đầu tư trên thị trường số”, bà Dương chia sẻ.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, bà Thu Lê, Phó giám đốc Cao cấp Indochina Capital Corporation, khuyến cáo không chỉ các nhà đầu tư chứng khoán cần tuân thủ nguyên tắc không gom trứng vào một giỏ, mà các chủ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản cũng có xu hướng đa dạng hóa danh mục của mình.

Bà lấy dẫn chứng, các nhà đầu tư đang tập trung vào mảng nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch Covid-19. Nhà đầu tư khôn ngoan đang có xu hướng chuyển sang các lĩnh vực mới như bất động sản khu công nghiệp.

Với các nhà đầu tư cá nhân, ngoài hình thức mua các bất động sản cơ sở, từ nhiều năm nay đã tồn tại hình thức chứng khoán hóa bất động sản thông qua quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Thay vì đầu tư toàn bộ lô đất, sản phẩm phái sinh trên tài sản cơ sở này cho phép nhà đầu tư có số vốn nhỏ hơn có thể đầu tư vào các bất động sản thường yêu cầu vốn đầu tư lớn.

Về hình thức đầu tư trên, bà Lê cho rằng trong giai đoạn thị trường biến động cũng như thông tin, kiến thức không đầy đủ, nhà đầu tư cá nhân nên tìm kiếm sản phẩm cơ bản hơn các sản phẩm phái sinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm