1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lãi suất tiền gửi sẽ tăng tới 10%/năm?

(Dân trí) - Sau quyết định <a href=" http://dantri.com.vn/kinhdoanh/2005/9/78688.vip"> tăng lãi suất cơ bản lên mức 3,75%/năm </a> của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng thương mại Mỹ bắt đầu nâng lãi suất tiền gửi từ mức 6,5% lên 6,75%. Trong nước, cuộc đua lãi suất vốn giữa các ngân hàng (NH) đang nóng lại có thêm tín hiệu mới…

Lạm phát tăng 6,8%, đồng USD mất giá khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại tiếp tục tăng lãi suất. Trong nước thì giá cả thị trường đang tiếp tục có chiều hướng đi lên...Tất cả những diễn biến đó đã khiến lãi suất tiền gửi các NH phải tăng.

 

Trong những lần tăng lãi suất trước của FED, đều ít nhiều gây ảnh hưởng đến các ngân hàng trong nước, do vậy có một số ngân hàng trong nước tăng lãi suất, một số thì chưa. Tuy nhiên, mức 3,75% FED vừa đưa ra là khá cao nên các ngân hàng trong nước chắc chắc sẽ phải đẩy lãi suất đồng USD lên để theo kịp xu hướng. - (Một chuyên gia kinh tế nhận định)

Quyết định đưa lãi suất huy động tiền đồng lên kịch trần cho phép của Vietcombank vừa qua (chỉ 4 ngày sau khi thỏa thuận kìm lãi suất chính thức có hiệu lực), được dự báo sẽ tiếp tục đốt nóng thị trường tiền tệ. Cứ với đà này, nhiều khả năng, đến cuối năm, mặt bằng lãi tiền gửi VND 1 năm sẽ đạt gần 10%. 

 

Như vậy, Vietcombank Hà Nội và TPHCM đều đã tận dụng hết mức trần cho phép ở kỳ hạn 6 tháng và 1 năm. Lãi suất với hai kỳ hạn này lần lượt là 7,8% và 8,4%, vừa vặn bằng mức cao nhất quy định trong thỏa thuận kiềm chế lãi suất giữa các ngân hàng thương mại quốc doanh với Hiệp hội Ngân hàng, có hiệu lực hôm 15/9.

 

Lý giải về quyết định trên, Tổng giám đốc Vũ Viết Ngoạn cho rằng, thực ra Vietcombank còn "chậm chân" hơn nhiều ngân hàng khác. "Mặt bằng lãi suất trên thị trường đã được đẩy lên cao từ lâu rồi, có ngân hàng đã áp dụng mức trên 8,4%, thậm chí 9%/năm. Vietcombank không thể lúc nào cũng kìm lãi suất ở mức thấp".

 

Quả đúng như vậy, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc NHTMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank), một trong những NHTM luôn có phản ứng “tức thì” với động thái tăng lãi suất của FED, cho hay:

 

 “Việc tăng lãi suất của FED thật ra đã nằm trong vòng tính của VPBank và các NHTM khác. Cách đây 3 tuần, VPBank đã quyết định nâng mức lãi tiền gửi bằng USD kỳ hạn 1 năm lên 4,2%/năm; lãi tiền gửi VND lên 9%/năm (mức cao nhất trong số các NHTM),  “đón đầu” việc nâng lãi suất của FED. Cho nên, trong lần tăng này của FED, VPBank quyết định không tính đến việc tăng lãi suất tiền gửi nữa”.

 

Tuy nhiên, nếu vào tháng 11 tới đây nếu FED tiếp tục nâng lãi suất thì rất có thể, lúc đó VPBank sẽ tính toán điều chỉnh lãi suất tiền gửi lên cao hơn” - Ông Sơn khẳng định.

 

Hiện tại, VPBank là một trong những ngân hàng có mức lãi suất huy động USD hấp dẫn nhất trên thị trường. Đặc biệt, lãi suất tiết kiệm VND bảo đảm bằng USD của ngân hàng này đang có mức cao hơn mặt bằng chung từ 0,8% - 1%/năm.

 

Nhận xét về việc điều chỉnh lãi suất các NHTM trong thời gian vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Phùng Khắc Kế cho rằng: “Sở dĩ các NHTM phải tăng lãi suất huy động vùn vụt trong thời gian qua là do tốc độ tăng trưởng tín dụng đang đạt thấp hơn so với mục tiêu đặt ra, họ đang thiếu vốn”.

 

Theo ông, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm có thay đổi nữa hay không chủ yếu phụ thuộc vào tình hình huy động trên thị trường.

 

Dự kiến mức lãi suất tiền gửi VND có thể sẽ tiếp tục tăng lên tới 10%/năm (cao gấp đôi so với gửi bằng USD);  tỷ giá đồng đôla nhiều khả năng vẫn ổn định, ngay cả khi đã tính trượt giá (lạm phát có thể sẽ tăng thêm xấp xỉ trên dưới 2% trong 3 tháng còn lại của năm) thì theo tính toán: người dân  cũng không bao giờ lỗ khi gửi bằng tiền Việt, trong khi gửi bằng USD sẽ thiệt hòi hơn.

 

Minh Tuấn