1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lãi suất tăng theo giá cả?

Có nhiều sức ép lên lãi suất như chỉ số giá, lãi suất USD trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, nhu cầu vốn cho nền kinh tế ở mức cao... Song cũng có nhiều tín hiệu cho thấy trong sáu tháng cuối năm lãi suất cho vay bằng VND sẽ vẫn ổn định.

Không còn "chạy đua"... lãi suất?

Sức ép tăng lãi suất tập trung chủ yếu ở các chương trình huy động vốn của các ngân hàng (NH) thương mại: NH thương mại nhà nước chạy đua với nhau để huy động nguồn vốn trên 12 tháng; NH cổ phần xoáy sâu vào các khoản vay kỳ hạn dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, các NH cho rằng sức ép cạnh tranh huy động vốn hiện nay “khá nhẹ nhàng” vì giữa các NH đã phối hợp nhịp nhàng hơn trong việc khai thác nguồn vốn trên thị trường. Các NH cổ phần vốn rất “nóng” trong cạnh tranh lãi suất thì những tháng gần đây xem ra đã “dịu dàng” hơn. Các NH cho rằng tới đây nếu cần phải thu hút vốn thì các NH sẽ thương thảo để có một mức lãi suất huy động thích hợp chứ không mạnh ai nấy tăng như trước đây.

Yếu tố lạm phát cũng đang tạo sức ép lên lãi suất. Nếu cả năm 2004 chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,5% thì trong sáu tháng đầu năm 2005 chỉ số này đã leo lên 5,2%.

Theo ông Nguyễn Trọng Thành - giám đốc NH Đầu tư phát triển VN chi nhánh Sài Gòn, mặc dù sức mua của VND đối với một số loại hàng hóa tiêu dùng cơ bản có giảm đi nhưng với USD thì lại khá ổn định. Theo tính toán của các chuyên gia ngân hàng thì giữ VND vào thời điểm này vẫn có lợi hơn. Đây chính là yếu tố đã khiến người gửi tiền vẫn giữ VND và gửi vào NH.

Nhưng các NH sẽ bó tay, không thể “hóa giải” được sức ép của lãi suất USD lên lãi suất VND. Từ tháng 6/2004 đến nay, Mỹ đã chín lần tăng lãi suất USD và sẽ còn tiếp tục tăng thêm để kiểm soát lạm phát. Các đợt điều chỉnh lãi suất USD của Mỹ dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến lãi suất VND.

Theo NH Nhà nước TPHCM, gửi tiền bằng VND vẫn lợi hơn vì lãi suất tiền gửi bằng VND vẫn cao hơn từ 3,4-4,15% so với USD (đã tính cả tỉ giá tăng). Trong sáu tháng đầu năm, mặc dù lãi suất USD tăng mạnh hơn lãi suất VND nhưng lượng VND gửi vào NH vẫn ổn định, không có sự dịch chuyển từ gửi VND sang gửi USD. Tuy nhiên tốc độ tăng của nguồn vốn USD vẫn cao hơn VND.

Lãi suất USD: "nước lên, thuyền lên"?

Lãi suất có tăng hay không còn phụ thuộc vào các biện pháp của Nhà nước để kiểm soát lạm phát. Lãnh đạo NH Nhà nước cho rằng “đã thực hiện các biện pháp kiểm soát tiền tệ, những tháng cuối năm không cần tăng thêm. Siết chặt chính sách tiền tệ, làm mạnh tay để kiểm soát lạm phát có khi không chống được hoặc có chống được lại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”.

Cơ sở để NH Nhà nước không mạnh tay hơn khi thắt chặt tiền tệ là các phân tích đưa đến kết luận rằng chỉ số giá tăng cao trong năm 2004 và sáu tháng đầu năm 2005 là do yếu tố cung - cầu, giá cả hàng hóa tăng cao do ảnh hưởng của giá hàng hóa trên thị trường thế giới, trong đó có giá xăng dầu, chứ không phải do yếu tố tiền tệ.

Phân tích của NH Nhà nước cho thấy “cú sốc bên cung” đã làm cho giá cả tăng 5% trong năm 2004 và tăng 3-4% trong năm 2005. Khi tiền không phải là yếu tố chính làm giá cả tăng vọt thì việc tăng lãi suất VND, thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát sẽ dẫn đến những hậu quả bất lợi khác. NH Nhà nước đã cụ thể hóa “tín hiệu” của mình khi khẳng định sẽ không giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, vẫn duy trì mức tăng cả năm 2005 là 25% so với năm 2004.

Trên thực tế, các NH thương mại đang điều chỉnh nhu cầu vay vốn, được xem là một “van xả” lãi suất rất quan trọng. Mặc dù nhu cầu vay vốn vẫn rất lớn nhưng các NH chỉ cho vay trong tầm kiểm soát, từ đó tạo ra thế cân bằng cung cầu về vốn, không tạo thêm sức ép lên lãi suất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những tháng tới, nếu không có gì bất ổn thì lãi suất VND sẽ ổn định, nếu có nhích nhẹ là do một vài NH muốn hạn chế cho vay chứ không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung.

Với lãi suất USD, các NH cho biết phải điều chỉnh theo mặt bằng chung, “nước lên thì thuyền lên”. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các DN vì chỉ riêng tại TP.HCM có đến phân nửa tiền vay của DN từ NH là bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, lãi suất USD sẽ không tăng đột biến mà “nhẹ nhàng”, đủ thời gian để các DN thích nghi.

Theo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Lãi xuất các ngân hàng