1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lãi suất cho vay bắt đầu nhích lên

Người dân và doanh nghiệp đều lo khi lãi suất cho vay của ngân hàng (NH) đã bắt đầu nhích lên. Lãi suất tăng kéo theo chi phí đầu vào tăng, buộc mọi cá nhân, doanh nghiệp một lần nữa phải xem xét các phương án kinh doanh của mình...

Áp lực tiền lãi: nặng nề!

Tại một số chi nhánh của NH Nông nghiệp - phát triển nông thôn (Agribank), cán bộ tín dụng cho biết khi biết lãi suất cho vay vừa được điều chỉnh tăng, nhiều người vay đã từ bỏ ý định vay để mua nhà. Agribank vừa tăng lãi suất cho vay dài hạn lên 1,28%/tháng.

Với mức lãi này, với món vay 100 triệu đồng để mua nhà trả góp trong bảy năm, tính chung số tiền lãi phải trả trong bảy năm cũng xấp xỉ vốn vay. Ngoài lãi phải trả, người vay còn phải trả dần vốn vay vì thế tạo áp lực rất lớn. Năm vay đầu tiên phải trả khoảng 30 triệu đồng, trong đó đến 15 triệu đồng là lãi vay. Theo qui định, khi vay trung và dài hạn thì lãi suất vay được thả nổi theo lãi suất thị trường, mỗi năm điều chỉnh một hoặc hai lần.

Trong khi đó có nhiều dấu hiệu cho thấy lãi suất cho vay mới chỉ ở giai đoạn... khởi động. Khá nhiều người vay cũng đã lường trước khả năng lãi suất còn tăng nên đã tính đường... lui!

Một NH có cho vay mua nhà cho biết không ít khách hàng đã dùng 70% tiền vay NH để mua nhà đều thổ lộ ý định không cầm cự nữa, sẽ bán để “giải nợ”. Lãi vay tăng trong khi thu nhập không tăng, giá nhà thì đứng, còn nợ thì thúc ép phải trả hằng tháng!

Theo nhận định của các NH, việc tăng lãi suất sẽ tác động xấu đến các dự án nhà đất phải thực hiện theo nghị định 181 (phải xây nhà rồi mới được bán). Cả doanh nghiệp làm dự án và người mua nhà đều phải sử dụng tiền vay NH. Nếu dự án thực hiện kéo dài thì chi phí lãi vay tăng cao càng đẩy giá nhà lên...

Không tính toán kỹ là... lỗ!

Kế toán trưởng một công ty thương mại nhà nước nói rằng lãi suất tăng sẽ làm tăng thêm chi phí đầu vào, gây khó chẳng kém tăng giá xăng dầu. Để giảm bớt lãi vay, tới đây các doanh nghiệp thương mại sẽ phải tính toán lại phương thức kinh doanh.

Sẽ phải thu hẹp thời gian bán trả chậm hoặc gối đầu để giảm bớt số vốn bị bạn hàng chiếm dụng. Theo bà kế toán trưởng này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng vì hiện nay bán hàng trả chậm đang là một phương thức cạnh tranh có hiệu quả.

Trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất cho biết đành chịu trận với lãi suất vay mới. Người dân có thể tính toán lại nhu cầu của mình, còn doanh nghiệp sản xuất thì không thể vay ít đi. Ông Đỗ Thành Liêm - giám đốc Công ty Mía đường Khánh Hòa - cho biết vụ sản xuất vừa kết thúc nhưng lo cho vụ sản xuất tới vì chi phí đầu vào sẽ tăng thêm do yếu tố lãi suất.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã vay tiền để mua lúa đông xuân tạm trữ trong ba tháng chờ có lúa hè thu trộn vào để xuất. Năm nay do hạn, lúa hè thu có trễ, như vậy phải tạm trữ lâu hơn, lãi vay phải trả sẽ vóng lên.

Khá nhiều doanh nghiệp có cùng quan điểm rằng quan trọng là thị trường chấp nhận mức giá mới ở mức độ nào. Lãi vay tăng, chi phí tăng thêm, đầu tiên doanh nghiệp phải gồng mình chịu, không nổi thì mới tăng giá bán hàng hóa dịch vụ. Nếu thị trường không chấp nhận mức giá mới thì doanh nghiệp chịu lỗ. Thật khó cho doanh nghiệp khi chi phí đầu vào liên tục tăng, mới xăng dầu thì nay thêm lãi suất...

Theo ông Nguyễn Gia Định - tổng giám đốc NH Xuất nhập khẩu VN, nếu lúc này doanh nghiệp xây dựng dự án đầu tư thì phải tính đến các rủi ro về lãi suất và chỉ nên thực hiện khi dự án có mức sinh lời cao. Còn các dự án đang triển khai thì cũng phải tính đến phương án phòng chống rủi ro lãi suất để bảo đảm dự án đạt hiệu quả ngay cả trường hợp lãi suất tăng thêm.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh - giám đốc VCB TPHCM, tới đây NH sẽ ưu tiên cho vay đối với các dự án có tính khả thi cao vì hai lý do: thứ nhất, lượng vốn huy động tăng chậm hơn số đã cho vay đã buộc NH phải tăng lãi suất đầu vào và chỉ có các dự án có tính khả thi cao mới chịu được lãi suất vay cao; thứ hai, nhu cầu vay vốn luôn ở mức cao trong khi tiền vay có hạn, do vậy tiền chỉ đến với các dự án tốt.

Ông Thanh kết luận trước mắt tăng lãi suất có thể gây khó cho doanh nghiệp nhưng về lâu dài sẽ có lợi cho nền kinh tế vì chỉ có các dự án tốt mới có cơ hội tiếp cận vốn NH.

Theo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Lãi xuất các ngân hàng