1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lãi ngân hàng giảm, người dân đổ xô mua chứng chỉ tiền gửi?

Thảo Thu

(Dân trí) - Báo cáo tài chính quý I/2023 của nhiều ngân hàng cho thấy chỉ tiêu huy động bằng chứng chỉ tiền gửi tăng so với cuối năm ngoái. Diễn biến này trùng thời điểm lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt.

Có ngân hàng hút thêm cả chục nghìn tỷ đồng nhờ chứng chỉ tiền gửi

BIDV có chỉ tiêu chứng chỉ tiền gửi dẫn đầu ngành ngân hàng. Đến cuối quý I/2023, ngân hàng có 113.720 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, tăng 12.698 tỷ đồng, tức 12% so với cuối năm ngoái.

Theo sau là MB với 79.117 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, tăng 8.647 tỷ đồng, tức tăng 12% so với cuối năm ngoái. Số chứng chỉ tiền gửi này được hưởng lãi suất 2,6-9,9%/năm.

Kế đến là VPBank với lượng chứng chỉ tiền gửi đã phát hành trong 3 tháng đầu năm là gần 55.870 tỷ, tăng tới 54% so với cuối năm ngoái.

ACB, tính đến hết quý I, đã phát hành 50.180 tỷ đồng giấy tờ có giá, tăng 13%. Trong đó, chứng chỉ tiền gửi huy động được 14.100 tỷ đồng, tăng tới 71% so với đầu năm.

Hay tại SeABank, chỉ tiêu giấy tờ có giá đến hết tháng 3 đạt gần 24.764 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm ngoái. Trong đó, chứng chỉ tiền gửi là yếu tố duy nhất đóng góp vào tăng trưởng huy động giấy tờ có giá, với mức tăng 36%.

Có đơn vị ghi nhận mức tăng chứng chỉ tiền gửi tăng tới 3 chữ số. Như LPBank, cuối quý I/2023 đã huy động được 18.800 tỷ chứng chỉ tiền gửi, tăng 135% so với cuối năm ngoái. Chỉ tiêu này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất lên tới 41,5% trong tổng lượng giấy tờ có giá của ngân hàng.

Còn ở HDBank, giá trị chứng chỉ tiền gửi được ghi nhận vào cuối quý I/2023 là 22.848 tỷ đồng, tăng 112% so với đầu năm. Chỉ tiêu này chiếm gần 47% trong tổng lượng giấy tờ có giá đã phát hành.

Nhiều đơn vị khác cũng có chỉ tiêu chứng chỉ tiền gửi tăng tới 2 chữ số so với cuối năm ngoái. Như tại OCB, chỉ tiêu này tăng 68%, tại MSB tăng 61%, VietBank 25%, Vietcombank tăng 18%...

Lãi ngân hàng giảm, người dân đổ xô mua chứng chỉ tiền gửi? - 1

Huy động bằng chứng chỉ tiền gửi tăng ở nhiều ngân hàng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Chỉ tiêu này tại hàng loạt nhà băng tăng lên trùng với thời điểm quý cuối năm ngoái, các nhà băng tìm mọi cửa "hút" tiền. Không chỉ dừng lại ở cuộc đua lãi suất tiền gửi, quý cuối năm 2022, một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, có nơi gửi 10 triệu nhận lãi suất 8,4%/năm.

Như BVBank có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 8,4%/năm, cho kỳ hạn 18 tháng, với tiền gửi chỉ từ 10 triệu đồng.

Với khách hàng gửi từ 100 triệu đồng trở lên, Techcombank có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 6,5%/năm, trong khi đó nếu gửi tiết kiệm thông thường lãi suất sẽ thấp hơn.

Tại SeABank năm ngoái cũng có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên tới 8,55%/năm, áp dụng kỳ hạn 18 tháng. Khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng. Nếu gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này cho khoản gửi 100 triệu chỉ ở mức 7,1%/năm, cho kỳ hạn 36 tháng. Mức lãi suất trên cũng chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định.

Sacombank cũng có chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với kỳ hạn 7 năm, lãi suất năm đầu lên tới 8%/năm.

Lưu ý gì nếu gửi chứng chỉ tiền gửi?

Trước đây, gửi tiết kiệm ngân hàng vốn là lựa chọn của nhiều người do những ưu điểm như tính thanh khoản cao, kỳ hạn linh hoạt, ít rủi ro, nhiều loại sản phẩm với hình thức đa dạng...

Tuy nhiên, trong khi gửi tiết kiệm đã dần "hạ nhiệt" do lãi suất tiết kiệm đồng loạt từ quý cuối năm ngoái, người dân cũng tìm đến các sản phẩm khác. Một số đơn vị đã đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi, nhằm thu hút nguồn vốn dài hạn.

  Lãi suất Kỳ hạn Thanh khoản
Chứng chỉ tiền gửiCao hơn gửi tiết kiệm từ 0,5-2%/năm, ổn địnhDài, từ một tháng đến 10 năm Thấp, hầu như không được rút trước hạn. Nếu rút chỉ có thể chuyển nhượng và cầm cố để vay vốn
Sổ tiết kiệm Thấp hơn, hay điều chỉnh tùy cung - cầu của thị trườngLinh hoạt, từ 1-3-6-9-12-24-36 tháng  

Cao, được rút trước hạn nhưng chịu lãi suất không kỳ hạn

Chứng chỉ tiền gửi là loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm, do ngân hàng phát hành theo từng đợt, với mệnh giá từ 100.000 đồng đến vài tỷ đồng, kỳ hạn một tháng đến 10 năm. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi thường cao hơn so với gửi tiết kiệm 0,5-2%/năm.

Tuy nhiên, đây là kênh đầu tư phù hợp nếu khách hàng có tiền nhàn rỗi trong thời gian dài. Lãi suất cao hơn tiết kiệm nhưng điều kiện rút, tất toán chứng chỉ tiền gửi cũng phức tạp hơn. Khi có nhu cầu rút vốn trước hạn, người mua chỉ có thể chuyển nhượng và cầm cố để vay vốn với lãi suất phải trả cao hơn lãi suất nhận được từ chứng chỉ tiền gửi.

Chưa kể, khi cầm cố, khách sẽ chịu thiệt vì phải bỏ thêm chi phí vay. Việc chuyển nhượng cũng khó khăn do thanh khoản kém. Ngoài ra, khách hàng cũng thận trọng bởi tại một số nhà băng, lãi suất cao chỉ được áp dụng trong năm đầu tiên, các năm tiếp theo lãi suất sẽ được thả nổi theo thị trường.