Làm giàu không khó:
Lãi hơn 1,5 tỷ đồng/năm từ nghề sấy gạo sữa
(Dân trí) - Từ 3 cái lò sấy lúa thông thường, ông Lê Văn Thiên - ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) đã chuyển sang sấy gạo sữa cho các thương lái gần 8 năm qua. Trung bình mỗi năm ông sấy khoảng 15.000 – 17.000 tấn lúa, thu lãi thấp nhất 1,5 tỷ đồng/năm.
Trong căn nhà tường khá khang trang với đầy đủ mọi tiện nghi, ông Thiên (còn gọi là Bảy Thiên) bồi hồi nhớ lại cái duyên đến với nghề sấy lúa của mình. “Khoảng năm 2008 trong một lần tôi đi mua lúa gặp anh Năm Nhã (Doanh nghiệp lò sấy Năm Nhã) than thở việc buôn bán không lời, nhất là khi mua lúa ướt, gặp khó trong khâu phơi, sấy… Anh Năm Nhã bảo tôi: nếu giá mua lúa ướt và khô trên lệch 1.000 đồng thì tôi đảm bảo anh có lời gấp 3 - 4 lần khi làm lò sấy. Từ câu nói này, tôi quyết định làm 3 lò sấy với công suất mỗi lò khoảng 20 tấn lúa”
Bạn đọc có thắc mắc hay cần tư vấn, chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, hãy gửi đến cho chúng tôi: kinhdoanh@dantri.com.vn
“Sau một năm đầu sấy gạo thường, tôi thấy các thương lái ở địa phương có nhu cầu sấy gạo sữa, với lại sấy gạo sữa sẽ tăng năng suất và tăng lợi nhuận gấp đôi so với sấy gạo thường. Do đó, tôi quyết định chuyển qua sấy gạo sữa và tôi tìm đến một hai lò sấy gạo sữa trong vùng tìm hiểu và hỏi thêm đơn vị cung cấp lò sấy về mặt kỹ thuật. Sau khi nắm vững nguyên lý sấy gạo sữa, tôi chuyển hẳn sang loại này từ đó cho đến nay và rất thành công”, ông Thiên cho biết.
Để sấy gạo sữa, ông Thiên tăng cường thêm một cái quạt (loại 80cm) cho mỗi lò sấy để lượng gió đưa nhiệt vào lò được đảm bảo. Ngoài ra ông Thiên không thay đổi hay đầu tư gì thêm so với kết cầu ban đầu. Sau khi hoàn thành, ông bắt đầu nhận sấy gạo sữa, trung bình mỗi lò ông đổ từ 50 – 66 tấn lúa (độ dày của lúa cao từ 1 – 1,2m) và chỉ mất 50 giờ là hoàn thành một mẻ sấy gạo sữa với giá thành hiện nay 240.000 đồng/tấn, cao gấp 2 lần sấy gạo thường. Với mức giá sấy này, nhiều chủ lò sấy khác cho biết, trừ hết chi phí còn lời từ 40 - 50%.
Với diện tích 8x13m, các lò sấy khác chỉ đổ từ 40 -50 tấn lúa nhưng ông Bảy Thiên đổ đến 66 tấn lúa nên độ dày từ 1 -1,2m
Theo vợ ông Thiên cho biết, khoảng 2 -3 năm về trước, ít người làm lò sấy nên công sấy cũng cao hơn, trung bình từ 300.000 – 350.000đồng/ tấn. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây, nhiều người đầu tư lò sấy, nhất là loại sấy gạo sữa nên giá thành cạnh tranh nên giảm còn 240.000đồng/tấn.
Mặc dù vậy, theo vợ ông Thiên cho biết, gia đình ông vẫn “sống khỏe” hơn nghề hàng sáo gấp trăm lần, vì không phải đội nắng mưa, nhất là tiền lời nghề hàng sáo 8 năm trước chỉ là mớ cám nuôi heo.
Những tháng cao điểm như vụ đông xuân hàng năm, lò sấy của ông sấy khoảng 2.000 tấn lúa/tháng, còn những lúc bình thường trung bình ông sấy trên dưới 1.500 tấn/tháng. Mỗi tấn lúa sau khi trừ hết mọi chi phí ông Thiên còn lời 50.000 – 100.000 đồng, tính ra, mỗi năm ông bỏ túi thấp nhất cũng 1,5 tỷ đồng.
Theo ông Bảy Thiên, kỹ thuật sấy gạo sữa quan trọng nhất là nhiệt độ do vậy phải canh lửa và tường xuyên theo dõi nhiệt độ mà tăng giảm để độ ẩm của lúa đạt như mình mong muốn
Ông Thiên chia sẻ: “Mới nghe qua tưởng chừng làm nghề lò sấy dễ thành tỷ phú nhưng cũng khó ăn lắm! Vì chỉ cần chọn công nghệ lắp ráp lò sấy không đúng là sẽ gặp khó khăn, nhất là bộ phận cánh quạt, vì đây là bộ phận quan trọng đưa nhiệt vào lò sấy. Một khi nhiệt độ không đồng đều, độ ẩm của lúa không đạt dẫn đến chất lượng gạo giảm mạnh. Nếu sản phẩm mình cho ra như vậy là thương lái bỏ mình ngay, nhất là với các thương lái sấy gạo sữa, vì 1 kg gạo sữa có giá thành cao hơn gạo thường từ 1.000 – 2.000 đồng mà họ sấy hàng trăm tấn lúa thì tính ra một số tiền thất thoát không nhỏ, khi tỷ lệ gạo đạt chỉ trên nhau 3 - 5%”.
Ngoài ra ông Thiên cũng thông tin, thị trường còn rộng lớn nhưng việc đầu tư lò sấy cần một số vốn lớn trong khi đó các chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ nông dân giảm thất thoát sau thu hoạch thì người dân khó lòng tiếp cận nguồn vốn vay này.
Hiện tại, lò sấy của ông Thiên được đầu tư gần như tự động hết, từ khâu lên xuống lúa đến khâu điều chỉnh nhiệt độ ở 3 lò sấy. Do vậy, thay vì trước đây ông sử dụng đến 20 công nhân lao động thì nay chỉ cần 10 người. Được biết, mỗi công nhân lao động ở đây có thu nhập ổn định từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày.
Nguyễn Hành