1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lại đổ xô đi mua vàng

Để đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân, SJC đã phải lấy vàng trong kho dự trữ ra bán hết.

Ngày 20/9, thị trường vàng có thêm một ngày bận rộn với việc lên xuống thất thường của giá vàng. Sau khi tăng nhẹ phiên giao dịch đầu giờ sáng thì giá vàng lại giảm. Tại Hà Nội, nhiều tiệm vàng tạm thời ngưng giao dịch vì thiếu nguồn cung.
 
Lại đổ xô đi mua vàng - 1
Nhiều người dân mua vàng vào vì cho đây là mức giá hợp lý trong xu thế tăng giảm.

 

Vàng nhập khẩu chưa về đến nơi đã bán hết

 

Ở TP.HCM, việc người dân tiếp tục đổ xô đi mua chứ không bán vàng cũng làm cho những doanh nghiệp kinh doanh vàng “vất vả”.

 

Ông Nguyễn Công Tường, Phó Giám đốc kinh doanh của SJC, cho biết cách đây gần một tháng, khi giá vàng có một đợt giảm về vùng 46 triệu đồng/lượng người dân đã đổ xô đi mua vàng. Gần đây, lãi suất huy động tại các ngân hàng không quá 14% nên nhiều người có lẽ đã rút tiền đi mua vàng.

 

“Nguồn cầu lớn hơn cung, chính vì vậy chúng tôi đã hạ khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và giá bán đến rất gần nhau, ngày trước là vài trăm ngàn nhưng sáng nay chỉ còn 120.000 đồng. Tuy vậy, người dân vẫn không bán vàng ra” - ông Tường nói.

 

Phân tích thêm, ông Tường cho hay ngày 20/9, Công ty SJC đã bán ra 9.000 lượng vàng nhưng đã phải mua thêm 7.000 lượng. “7.000 lượng vàng ấy chúng tôi đã phải mua lại của các công ty có nhu cầu bán để cân bằng trạng thái chứ không thể để âm được, nếu để âm, vàng tăng thêm vài chục USD nữa thì công ty sẽ lỗ” - ông Tường nói.

 

Nhưng mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép nhập khẩu vàng cho một số ngân hàng và công ty vàng trong đó có cả SJC, như vậy nguồn cung sẽ đủ? Ông Tường cho biết trong tuần này lượng vàng nhập khẩu sẽ về. Nhưng để đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân, SJC đã phải lấy vàng trong kho dự trữ ra bán hết rồi. “Như vậy, số vàng sắp nhập về chỉ đủ bù lại vào số vàng dự trữ đã bán đi thôi. Thế có nghĩa là hết rồi, còn đâu để mà bán? Cứ 2-3 ngày là có một đợt sóng như vậy” - ông Tường nói.

 

Nên khai thông 91 tấn vàng ở các ngân hàng

 

Câu hỏi đặt ra rằng nếu số vàng trong đợt nhập khẩu này về liệu có giúp cho giá vàng trong nước và giá thế giới sẽ ngang bằng nhau?

 

Theo ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng Ngân hàng Á Châu, điều mà NHNN lo lắng nhất không phải giá thế giới tăng hay giảm mà sự chênh lệch quá xa giữa giá trong nước và thế giới.

 

Phân tích sâu về vấn đề này, ông Khanh cho rằng: Thực tế người dân nhìn thấy giá vàng trên thế giới như vậy nhưng có mua được đâu. Nguyên nhân giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới là do cầu trong nước quá lớn. Khi nhiều người cùng mua một lúc thì tạo ra nguồn cầu lớn. Vì thế, giá vàng trong nước bị đẩy lên cũng là điều bình thường.

 

“Trước đây, khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 500.000 đồng/lượng, người dân vẫn mua. Khi giá trong nước cao hơn 1 triệu đồng/lượng, người dân vẫn đổ xô đi mua. Vì thế tôi không bất ngờ nếu giá trong nước cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng/lượng” - ông Khanh nói.

 

Theo ông Khanh, hiện nay ở các ngân hàng thương mại tại TP.HCM có khoảng 91 tấn vàng nhưng theo quy định mới, ngân hàng sẽ không được bán ra. Như vậy vô hình trung số vàng này đang nằm chết, không được luân chuyển dòng tiền. “Theo tôi, trước mắt NHNN cần khai thông số vàng này, để giá vàng trong nước đến gần hơn giá thế giới. Bên cạnh đó, cần dùng vàng trong dân để xoay vòng cán cân xuất nhập khẩu trong nước. Trong tình huống đặc biệt, nên có một cơ chế đặc biệt để lưu thông nguồn vốn” - ông Khanh nói.

 

Ông Khanh phân tích thêm, khi cho phép bán 91 tấn vàng này ra thị trường, NHNN cũng nên cho các ngân hàng nhập khẩu vàng về để bù đắp vào số vàng đã bán ra. Như vậy mới hạ được giá vàng trong nước xuống ngang với giá thế giới. Có thể lúc đó, sóng trên thị trường vàng thế giới sẽ hết, người dân không còn mặn mà với vàng nữa. “Cách này theo tôi là hiệu quả nhất hiện nay”.

 

Theo Yên Trang

Pháp luật TP.HCM

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm