Lại 1 "cuộc chiến" giá cước bùng nổ

(Dân trí) - Hôm nay 29/11, Công ty viễn thông Viettel (Viettel Telecom) chính thức công bố giảm 15% cho tất cả các gói cước di động áp dụng từ 1/12. Cùng với Viettel, việc 2 mạng của “đại gia” VNPT cũng đang xin phép giảm cước, báo hiệu 1 "cuộc chiến" giá cước lại bùng nổ.

Theo công bố từ Viettel Telecom, các cuộc gọi nội mạng sẽ giảm từ 1.290 đồng/phút xuống 1.090 đồng phút, các cuộc gọi ngoại mạng giảm từ 1.390 đồng/phút còn 1.290 đồng/phút. Các gói cước “nghe mãi mãi” và nhắn tin cũng được giảm trung bình từ 15 - 17% so với mức cước cũ.

Ông Nguyễn Việt Dũng, phó Giám đốc Viettel Telecom cho biết, mức giảm Bộ Thông tin - Truyền thông cho phép thấp hơn mức mà doanh nghiệp này đã đề xuất trước đó (trung bình khoảng 20%).

"Theo tính toán, mức giảm 15% này có thể khiến Viettel giảm doanh thu khoảng 100 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, giảm cước sẽ khiến lượng khách hàng tăng lên nhanh chóng cộng với khi đó nhu cầu gọi nhiều thì sẽ sớm bù đắp lại" - ông Dũng cho biết.

Ngoài Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cũng đã trình lên Bộ Thông tin và Truyền thông bảng giá cước mới. Theo đó mức cước các dịch vụ di động của 2 mạng Vinaphone và Mobifone cũng sẽ giảm khoảng 25% từ tháng 12 tới. Dự kiến trong tuần này VNPT sẽ nhận được quyết định chính thức từ Bộ.

Trao đổi với báo chí về “cuộc chiến” giá cước, đại diện tất cả các mạng CDMA (EVN Telecom, S-Fone, HT Mobile) đều rất bình tĩnh cho rằng: Sẽ đợi xem các mạng GSM giảm cước như thế nào rồi mới điều chỉnh mức cước mới để đảm bảo sức hấp dẫn hơn. Chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch giảm cước của đơn vị mình.

Cũng như những lần trước, theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, nếu như các mạng GSM giảm tới 15% - 20% giá cước thì các mạng CDMA không còn cách nào khác ngoài việc “buộc phải” có mức giảm lớn hơn mới có cơ hội thu hút được thuê bao.

Tuy nhiên, trước niềm vui được giảm cước, người tiêu dùng cũng không khỏi băn khoăn về chất lượng các mạng di động hiện nay. Trả lời câu hỏi của Dân trí về sự chuẩn bị hệ thống mạng khi số lượng thuê bao sắp tăng đột biến (sau giảm cước), một lãnh đạo Viettel Telecom khẳng định đã rất sẵn sàng nhưng vị này vẫn không loại trừ những bất ổn khó lường trước do thiên tai và kết nối ngoại mạng.

Với người tiêu dùng trong “cơn bão giá” nói chung hiện nay thì việc giảm cước viễn thông sẽ là niềm động viên lớn. Tuy nhiên cũng phải nói thêm 2 mặt của vấn đề, nếu việc giảm cước của các mạng di động không đi liền với nâng cao chất lượng cuộc gọi thì việc giảm cước chắc chắn sẽ có tác động ngược.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc điều chỉnh giá cước di động nằm trong lộ trình mỗi năm một lần được Chính phủ phê duyệt từ đầu năm 2007.

Ngọc Điệp