Lách luật để đầu tư nhận lãi gấp 3 - 4 lần lãi suất ngân hàng: Cẩn trọng!

Việt Đức

(Dân trí) - Song song với việc nhận lãi suất cao, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng trước rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là những cá nhân chưa đủ điều kiện nhưng muốn tham gia thị trường này.

Rủi ro từ trái phiếu không có tài sản đảm bảo

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhìn nhận một rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là nhiều nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, ưa thích mức lãi cao, kỳ hạn ngắn. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao nhưng chỉ thế chấp bằng cổ phiếu chưa niêm yết hay không có tài sản đảm bảo. 

"Nhà đầu tư cá nhân phải chấp nhận rủi ro lớn khi mua những trái phiếu như vậy. Bản thân doanh nghiệp phải trả lãi suất cao vì không có tài sản bảo đảm", chuyên gia chứng khoán này bình luận.

Theo thống kê của SSI Research, tổng số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý I là 37.400 tỷ đồng. Trong số này có tới 41% lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, chiếm tỷ lệ cao nhất. 35% trái phiếu được đảm bảo bằng bất động sản hoặc tài sản hữu hình, 24% còn lại được đảm bảo một phần hoặc toàn bộ bằng cổ phiếu.  

Lách luật để đầu tư nhận lãi gấp 3 - 4 lần lãi suất ngân hàng: Cẩn trọng! - 1

Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo chiếm tỷ trọng lớn nhất (Ảnh: SSI Research).

Song song đó, ông Minh cũng cho rằng nếu tài sản đảm bảo của trái phiếu là cổ phiếu chưa được niêm yết, nhà đầu tư cá nhân cũng đối diện rủi ro vì không thể biết được mức định giá trong hồ sơ phát hành có chính xác hay không. Ngoài ra, cổ phiếu chưa niêm yết cũng có thanh khoản không cao.

Một vấn đề khác là thị trường trái phiếu đang thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành. Sự thiếu vắng này dẫn đến nguy cơ nhà đầu tư cá nhân thiếu thông tin để ra quyết định. 

Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Huỳnh Minh Tuấn cũng đồng quan điểm về lỗ hổng thiếu hụt các đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước như Moody's, S&P trên thị trường quốc tế. Nhiều nhà đầu tư cá nhân không đủ khả năng để thẩm định về khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, Bộ Tài chính mới chỉ cấp phép cho 2 đơn vị trong nước cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Đến giữa tháng 5 vừa qua mới là lần đầu tiên một doanh nghiệp công bố mức xếp hạng tín nhiệm rộng rãi với công chúng do một đơn vị trong nước đánh giá. 

Tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư

Để hạn chế rủi ro với nhà đầu tư cá nhân, Nghị định 153 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã quy định đối tượng mua trái phiếu phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trên thực tế, lượng trái phiếu được các cá nhân mua vào đã ngay lập tức giảm mạnh sau khung pháp lý mới.

Thống kê của SSI Research cho biết nhà đầu tư cá nhân mua vào 1.529 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp trong quý I, chỉ bằng 16% so với cùng kỳ 2020. Tỷ trọng đầu tư của cá nhân vào trái phiếu theo đó sụt giảm từ gần 20% xuống còn 4% trong 3 tháng đầu năm nay. 

Trong khi đó, lượng trái phiếu phát hành ra công chúng tăng mạnh lên gần 7.000 tỷ đồng trong quý I. Con số này tương đương gần 19% tổng lượng phát hành trên toàn thị trường, cao hơn nhiều mức bình quân chỉ 5% của cả năm 2020. Nhóm phân tích của SSI nhận định các doanh nghiệp niêm yết tuân thủ chuẩn mực tăng cường lựa chọn phát hành trái phiếu ra công chúng để có thể dễ tiếp cận hơn nguồn tiền đầu tư của cá nhân.

Lách luật để đầu tư nhận lãi gấp 3 - 4 lần lãi suất ngân hàng: Cẩn trọng! - 2

 Nhà đầu tư cá nhân chỉ còn chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường trái phiếu sau quy định mới (Ảnh: SSI Research).

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính của Bộ Tài chính, cho rằng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng là tín hiệu tốt. Để phát hành trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép và thường là các công ty đại chúng có quy mô, tình hình tài chính lành mạnh, tuân thủ chuẩn mực công bố thông tin ở mức cao.

Cơ quan quản lý chỉ lo ngại tình trạng trước đây khi nhiều cá nhân tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ vì lãi suất cao dù không có đủ thông tin, kiến thức đầu tư. Với quy định mới, có thể yên tâm phần nào vì chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới có thể giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nhóm này phải tự đánh giá, nhận diện rủi ro trên thị trường. 

Ông Dương chia sẻ với Dân trí cá nhân chưa đủ điều kiện nhưng vẫn tìm cách lách quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm mục đích tham gia thị trường trái phiếu phải chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình. Cơ quan quản lý Nhà nước luôn theo dõi, giám sát thị trường, yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin đầy đủ. 

Bộ Tài chính cũng có lộ trình thiết lập thị trường giao dịch thứ cấp với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được giao nhiệm vụ nghiên cứu, lựa chọn mô hình tổ chức phù hợp.

Thị trường này khi ra đời sẽ giúp thị trường trái phiếu có thanh khoản cao hơn. Cơ quan quản lý cũng dễ dàng hơn trong việc nắm bắt đầy đủ thông tin giao dịch để quản lý, giám sát.