1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lá thư tức tưởi gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính

“Con chỉ là một người mua bán nhỏ lẻ, có được hợp đồng mua bán lớn là một vận may hiếm có, nhưng sự việc lại dẫn con đến tình cảnh bi đát hơn…

Con hiện giờ khổ tận cùng, xuất phát từ ngành hải quan kiểm soát chống lậu trên biển. Con không biết tỏ bày điều này cùng ai”.
 
Lá thư tức tưởi gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính  - 1
Trần Hoàng Huy ngồi đếm những phiếu báo chuyển phát nhanh lá thư của mình.

Ông Trần Hoàng Huy (GĐ Cty TNHH MTV TM DV&XNK Huy Phát - trụ sở tại 34B Phan Văn Năm, phường Phú Thành, Q.Tân Phú, TPHCM) đã viết trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ như vậy...

“Con” là từ mà vị GĐ DN mới 31 tuổi xưng như vậy trong thư gửi vị bộ trưởng 54 tuổi. Lá thư hơn 8 trang giấy đánh máy khổ A4, là nỗi tức tưởi của một doanh nhân trẻ, vừa bước vào thương trường đã gặp “dông bão”, để rồi nguy cơ tiêu tan sản nghiệp. Trong thư, Huy cho hay năm 2011 nhận được một hợp đồng (lốp xe phế thải) trị giá 1,6 tỉ đồng của khách hàng ở Hải Phòng. Lâu nay buôn bán nhỏ lẻ hàng phế liệu, chỉ cao cấp hơn người đi buôn bán ve chai là lập Cty, nên với Huy là một vận may hiếm có để phát triển kinh doanh. Oái oăm, cơ hội lớn đó lại dẫn Huy đến tình cảnh bi đát.

Lời thư tức tưởi: “Đến khi tàu chở hàng hóa của con đi đến cửa biển giữa sông Đồng Nai và tỉnh BRVT (gần phao số 0 - ngày 28/10/2011) thì tàu chở hàng bị Hải đội 3 (Đội kiểm soát phòng, chống buôn lậu trên biển) kiểm tra giấy tờ. Bên con đã trình những giấy tờ: Phiếu xuất kho, giấy tờ cảng vụ, phiếu vận chuyển, phiếu cân hàng hóa qua cảng, danh sách hàng hóa bán, hóa đơn bán lẻ tại kho theo yêu cầu của nhân viên cảng vụ...

Nhưng các cán bộ nói không đủ giấy tờ, vi phạm hành chính. Tàu chở hàng của con phải theo tàu Hải đội 3 về vùng neo Sao Mai Bến Đình của tỉnh BRVT, bị lập biên bản giam tàu và hàng hóa đến ngày 10/1, lý do vi phạm điều 10 NĐ 137/NĐ-CP (vận chuyển hàng hóa trái phép), yêu cầu Cty con cùng chủ tàu bổ sung giấy tờ.

Sau đó, con và chủ tàu đã liên hệ với ông K (xin chưa nêu tên - cán bộ Hải đội 3 - PV) để hỏi về việc bổ sung những giấy tờ để hải quan giải quyết sớm, họ đều trả lời: “Làm DN thì tự biết, không lẽ hải quan chỉ đường cho hươu chạy...”.

Con thiết nghĩ, mình là người làm ăn nhỏ, không hiểu hết thủ tục là chuyện đương nhiên, phải đi hỏi cơ quan chính quyền, mà lại trả lời như vậy thì con cũng không biết bổ sung cái gì, rồi bổ sung cho ai... Con về hỏi những người quen biết và sau 2 ngày bị giam tàu và hàng hóa, con đã đến Hải đội 3 để nộp hồ sơ bổ sung gồm: Hợp đồng kinh tế gốc, phụ lục hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng, bảng kê khai nguồn gốc hàng hóa, báo cáo thuế 5 tháng gần nhất, giấy phép đăng ký kinh doanh.

Ông Q - công chức Hải đội 3 - đã tiếp nhận hồ sơ và không có văn bản nào giải thích sự việc của con sẽ được giải quyết như thế nào, thiếu gì, khi nào sẽ được giải quyết. Và phía bên chủ tàu thì lại gửi công văn yêu cầu bên con phải bồi thường tổn thất hơn 200 triệu đồng, bên khách hàng thì đòi con bồi thường hợp đồng... Con mất ăn mất ngủ, bỏ mọi công ăn việc làm để ở lại Vũng Tàu chờ đợi câu trả lời của Hải đội 3 mà không biết chờ đến khi nào.

Rồi, con được những DN thương tình chỉ dẫn “Huy hãy tìm cách gặp riêng với cán bộ, nếu không thì sẽ bị như vậy hoài”. Con đã tìm gặp và hồi âm “...theo Luật Hải quan, Hải đội 3 được quyền giam giữ lần đầu 10 ngày, nếu có tình tiết phức tạp cần điều tra, giữ tiếp 30 ngày, nếu vẫn còn tình tiết phức tạp, giữ tiếp 30 ngày nữa, rồi sau đó chuyển về Cục Hải quan để xin ý kiến giải quyết, nói để ông biết, tính toán và lo liệu”.

Hiện con đã lâm vào đường cùng, nguy cơ sẽ bị phá sản vì bao nhiêu tiền của, cả gia tài của con là tàu hàng đang bị Hải đội 3 giữ. Tiền đâu con bồi thường cho chủ tàu, bồi thường cho khách hàng, rồi con bị mất khách hàng thì sau này cơ hội làm ăn của con sẽ như thế nào...

Con không biết bức thư này có đến tay chú được không, nhưng con toàn tâm hy vọng chú sẽ đọc được bức thư này”.

Theo Ngô Nguyên
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm