1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kỳ vọng khởi sắc sau một năm đạp gió, vượt bão

Mai Chi

(Dân trí) - Dù rất khó để dự báo chính xác những điều sẽ xảy ra, nhưng với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kỳ vọng rằng những tồn tại sẽ được tháo gỡ và kinh tế đất nước năm 2024 sẽ khởi sắc hơn.

Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu nhưng vẫn có nhiều điểm sáng

Khép lại năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%).

Qua đó, GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05%, dù không đạt mục tiêu do Quốc hội đặt ra nhưng vẫn cao gấp 1,68 lần mức tăng chung của kinh tế thế giới.

Năm qua, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023.

Bù lại phần nào, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực, trong đó kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định. Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ.

Kỳ vọng khởi sắc sau một năm đạp gió, vượt bão - 1

Một góc của Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Đến hết năm 2023, quy mô GDP theo giá hiện hành đã chính thức vượt 10 triệu tỷ đồng (đạt 10,22 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD). GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành vượt mốc 100 triệu đồng/người (ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022).

Năng suất lao động  của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022).

Năm qua vẫn là khoảng thời gian khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Bình quân mỗi tháng có tới 14.400 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Tuy vậy, vẫn có 159.294 doanh nghiệp thành lập mới trong năm, đánh dấu lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong năm gần chạm mức 160.000, tạo ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6%.

2023 cũng là năm ghi nhận lần đầu tiên giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất về quy mô với hơn 625.000 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm trước (đạt 85,3% kế hoạch năm). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, thực hiện cả năm ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5%, ghi nhận mức thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước thặng dư 28 tỷ USD.

Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu 4,5%.

Những con số đạt được nói trên dù chưa đạt được kỳ vọng nhưng cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cơ quan điều hành trong việc ban hành, thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kịp thời, giúp kinh tế Việt Nam vượt qua được những cơn gió ngược giữa bối cảnh kinh tế chung toàn cầu còn nhiều thách thức, khó khăn.

"Hạ lãi suất" có thể coi là từ khóa đáng chú ý nhất trong năm. Chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam thể hiện qua quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên của NHNN hồi giữa tháng 3/2023 trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Sau đó, đến giữa tháng 6, NHNN đã có thêm 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, tổng mức cắt giảm sau 4 lần hạ lãi suất lên tới 150 điểm cơ bản.

Việc hạ lãi suất điều hành là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất đầu vào, tạo tiền đề đưa nền lãi suất cho vay xuống thấp, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Kỳ vọng sự bứt tốc trong năm 2024

Trên cơ sở ghi nhận triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn, được củng cố bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Fitch) đã nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". Tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được dự báo khoảng 7%.

Theo đánh giá của Fitch, những thách thức đối với nền kinh tế từ khó khăn trên thị trường bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ ít tác động đến triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong trung hạn cùng với dư địa chính sách dồi dào sẽ góp phần kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn.

Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục củng cố nền tài chính công lành mạnh, với nợ Chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với các quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm.

Trong báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), mức tăng trưởng trong năm 2024 cũng được dự báo nâng lên mức 5,5% và đạt 6% vào năm 2025. WB cho rằng, môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại, tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgiva tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đánh giá cao các nỗ lực phát triển vượt bậc của Việt Nam thời gian qua và cho biết, IMF dự kiến nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trước đó, hồi tháng 9/2023, IMF từng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ hồi phục lên 5,8% năm 2024 (nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới) sau khi bị chững lại do các cơn gió nghịch tác động mạnh vào cuối năm 2022 và trong nửa đầu năm 2023.

Nói với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam là độ mở lớn, năm 2024 tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào "cỗ xe tứ mã": Đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan tỏa tới đầu tư ngoài nhà nước; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Cùng với 4 động lực kéo cỗ xe kinh tế Việt Nam về phía trước, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của một số ngành, lĩnh vực mới…

Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tốc độ tăng GDP từ 6,0-6,5%; lạm phát được kiểm soát trong mức 4-4,5%.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, ông Lâm cho rằng, việc đầu tiên là Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng hiện nay, đặc biệt đối với nhóm thể chế và môi trường pháp lý, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ và các địa phương cần xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết dựa trên năng lực cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; khơi thông các nguồn lực, gắn tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm của thủ trưởng các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương; thực thi nghiêm chế tài đối với cán bộ công chức vô trách nhiệm.

PGS. TS Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân - cũng cho rằng, để kinh tế khởi sắc trong năm 2024 không thể chỉ trông chờ vào đầu tư công mà còn phải khơi thông lại được nguồn lực đầu tư của khu vực tư nhân, cũng là động lực chính cho tăng trưởng năm nay.

Muốn vậy, vấn đề cốt lõi là phải lấy lại được niềm tin của khu vực tư nhân với môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế trong dài hạn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm