"Kỷ nguyên thống trị" của xe Thái, Indonesia, ô tô nội cam phận lắp ráp
(Dân trí) - Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến của các loại xe không thuế từ Thái Lan, Indonesia, theo thống kê của hải quan, xe con từ Thái Lan, Indonesia hiện đã chiếm trên 95% xe con nhập về Việt Nam. Xe từ hai nước trên đã và đang "độc chiếm" thị trường xe Việt.
Kỷ nguyên thống trị của xe Thái, Indonesia tại Việt Nam
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, các hãng xe có cơ sở sản xuất, lắp ráp tại Thái Lan, Indonesia đang chi phối gần như toàn bộ hệ thống, chủng loại các mẫu xe nhập vào Việt Nam. Thống kê của hải quan cho thấy, tháng 3, các loại xe nhập ở Việt Nam, hai nước trên chiếm hơn 88%, xe con chiếm đến 95% tổng lượng xe con nhập về Việt Nam, con số rất lớn.
Về lượng xe con, tháng 3/2019, con số xe dưới 9 chỗ ngồi nhập về Việt Nam đạt hơn 9.200 chiếc, trong đó xe của Indonesia và Thái Lan chiếm hơn 9.000 chiếc, chiếm hơn 95% số xe con nhập khẩu về Việt Nam.
Hết 3 tháng, xe nhập Thái về Việt Nam gần 26.000 chiếc, kim ngạch hơn 516 triệu USD, trong khi đó lượng xe Indonesia nhập về đạt hơn 9.000 chiếc, kim ngạch hơn 143 triệu USD. Tổng lượng xe hai nước nay chiếm 90% tổng lượng xe nhập ở Việt Nam, con số tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước 2018.
Tổng lượng xe nhập về Việt Nam đạt hơn 39.000 chiếc, trong đó hơn 27.400 chiếc là xe con dưới 9 chỗ ngồi, tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2018. Riêng xe Thái Lan và Indonesia đã đạt hơn 35.000 chiếc, chiếm 90% tổng lượng xe nhập về Việt Nam.
Tỷ lệ xe nhập từ Thái Lan, Indonesia về Việt Nam hiện rất cao so với cùng kỳ các năm, điều này cho thấy các thương hiệu, mẫu xe Thái Lan, Indonesia đang lấn át, có doanh số rất tốt ở thị trường Việt.
Thực tế trên thị trường xe Việt, 99% các dòng xe mới ra mắt đều có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia như Honda HRV, Jazz, Brio; Mitsubishi Outlander, Xpander, Ford Ranger, Everest hay Toyota Camry, Avanza, Wigo...
Ô tô Việt “dẫm chân” ở trình độ lắp ráp, giá cao
Theo thống kê nêu tại báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VietinBank (CTS) vừa được công bố, ngành ô tô luôn là ngành mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP của các nước lớn trên thế giới với 3,25% GDP của Mỹ, 5% GDP của Trung Quốc, 4% GDP của Đức và 12% GDP của Thái Lan. Tại Việt Nam, ngành ô tô chiếm 3% GDP cả nước.
Báo cáo của CTS đánh giá, quy mô thị trường xe ô tô Việt Nam hiện quá nhỏ để khiến cho các hãng xe chi tiền đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng.
Theo nhận định của CTS, quy mô nhỏ trong khi những ưu đãi để thu hút đầu tư phụ trợ là chưa rõ ràng đã khiến cho việc sản xuất ô tô ở Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp và dẫn đến giá thành xe sản xuất ở Việt Nam cao hơn 10 – 20% so với các nhà sản xuất lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.
Theo Toyota Việt Nam, số lượng phụ tùng, linh kiện bán được hàng năm phải đạt khoảng 50.000 bộ thì mới khả thi để đầu tư. Có nghĩa là một mẫu xe phải sản xuất được 50.000 chiếc trong một năm, gấp đôi doanh số tiêu thụ của các mẫu xe bán chạy hiện tại.
Quy mô nhỏ trong khi những ưu đãi để thu hút đầu tư phụ trợ là chưa rõ ràng đã khiến cho việc sản xuất ở Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp. Điều đó khiến giá thành xe sản xuất ở Việt Nam cao hơn 10 – 20% so với các nhà sản xuất lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.
Chính vì lý do này mà ngành ô tô luôn dành được những sự quan tâm và đối xử đặc biệt từ phía Chính phủ. Hầu hết hiệp định thương mại từ trước đến nay luôn có những ngoại lệ dành cho ngành ô tô nhằm bảo vệ ngành trước sức ép cạnh tranh từ các nước trên thế giới.
Chính phủ kêu gọi sửa hàng loạt chính sách ô tô
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng về tình hình phát triển ngành công nghiệp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Theo đề xuất của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu sửa đổi nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành ô tô và ngành hỗ trợ tại địa phương.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các chính sách về ô tô để ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là công nghiệp hỗ trợ, trong đó có sản xuất phụ tùng, động cơ mang lại giá trị gia tăng cao.
Các bộ, ngành phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực nhân lực chất lượng cao để thu hút các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới, nghiên cứu thị trường trong nước và xuất khẩu để sản xuất các mặt hàng phù hợp, trong đó có tính tới việc xuất khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô.
Hiện Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Ninh Bình và Quảng Nam là những địa phương được các doanh nghiệp lớn đặt cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy lớn nhất cả nước.
Nóng bỏng cuộc chiến của xe đa dụng và xe gia đình
Do phù hợp với túi tiền và kiểu cách thời thượng, các dòng xe đa dụng đô thị, xa gia đình tại Việt Nam đang ngày càng xuất hiện nhiều mẫu xe mới. Các hãng muốn gia tăng lợi nhuận đã và đang nhập ồ ạt các dòng xe vào Việt Nam, nhiều trong số đó đã thành công khiến thị trường xe Việt cực kỳ đa dạng về mẫu xe hơi.
Phân khúc xe gia đình cỡ nhỏ, xe đa dụng đô thị đang có nhiều dòng xe khác nhau tại Việt Nam, Honda đang duy trì mẫu HRV nhập khẩu Thái Lan, Hyundai có Kona, Ford duy trì dòng Ford Eco Sport còn Suzuki tiếp tục đẩy mạnh phân phối dòng xe Vitara ở Việt Nam.
Trong khi đó, các dòng xe gia đình đang khuynh đảo thị trường Mitsubishi Xpander, Toyota Innova cũng đều có doanh số bán rất cao và với mức giá đang ngày càng rẻ đi.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 3/2019, các dòng xe SUV tại Việt Nam tiêu thụ hơn 14.300 chiếc, tăng hơn 9.800 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói, các dòng xe đô thị ngày càng có doanh số bán cao như Xpander trong 3 tháng đã có hơn 3.000 chiếc được bán ra; Hyundai Kona cũng ghi nhận 1.600 chiếc; Ford Eco Sport cũng cán mốc trên 1.000 chiếc...
So với thời điểm cách nay 2 năm, thị trường xe SUV tại Việt Nam chỉ có nhiều dòng 7 chỗ như Everest của Ford, Fortuner của Toyota hay bản CRV 5+2 của Honda. Tuy nhiên, hiện nay, các dòng xe đô thị ngày càng được tăng cường sản xuất trong nước hoặc nhập về Việt Nam nhiều hơn.
Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, các dòng xe SUV đô thị, xe đa dụng cỡ nhỏ ghi nhận giảm giá khá mạnh. Dòng Outlander bản 5+2 của Mitsubishi ghi nhận giảm hơn 160 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng từ mức giá hơn 1,1 tỷ đồng, xuống còn hơn 860 triệu đồng.
Bán tải hết "thiêng": Xe mới khó bán, xe cũ thất sủng
Cứ ngỡ sau khi phí trước bạ tăng thì xe bán tải cũ sẽ có cơ hội khá khẩm hơn nhưng thị trường xe cũ vẫn ảm đạm. Từ ngày 10/4, lệ phí trước bạ với dòng xe bán tải tăng từ 2% lên tới 6- 7% tùy theo tỉnh, thành. Những dòng xe bán tải mới ước tính có mức tăng bình quân từ 20-50 triệu đồng/xe.
Một số mẫu xe bán tải gây chú ý như: Chevrolet Colorado đời 2017, lăn bánh dưới 20.000 km được rao bán nhiều trên các chợ xe với giá khoảng 500 - 580 triệu, rẻ hơn khoảng 140 triệu đồng so với mẫu mới ra năm 2019.
Những tưởng điều này sẽ thúc đẩy thị trường, những người không kịp mua xe trước ngày 10/4 có thể quay sang lựa chọn xe bán tải đã qua sử dụng, khiến thị trường xe cũ khởi sắc đôi chút.
Hay Mitsubishi Triton đời 2016, đi dưới 20.000 km đang được rao bán với giá khoảng 550 triệu, tiết kiệm 200 triệu đồng so với mẫu 2019.
Tuy nhiên, dù mua xe bán tải đã qua sử dụng có thể tiết kiệm tới 200 triệu đồng so với xe mới, nhưng các salon xe cũ luôn vắng khách.
Chủ một salon ô tô tại Cầu Diễn (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, hiện nay chỉ có thể kinh doanh xe lướt để "sống tạm". Những người buôn xe cũ giờ đã nghỉ hết, chuyển sang bán phụ tùng hoặc làm ngành khác.
"Đầu năm 2019 là năm buôn bán tệ nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Cả tháng chúng tôi chỉ bán được 1-2 chiếc xe. Ô tô đang đầy salon, đã chịu lỗ mà khách vẫn lắc đầu" - chủ salon này cho biết.
Một salon xe cũ tại khu vực Long Biên cũng cho biết, có những mẫu xe cũ được điều chỉnh đến mức kịch kim: Ford Ranger AT đời 2014 nhập khẩu chỉ hơn 400 triệu đồng; Ford Ranger đời 2016 nhập chỉ dưới 650 triệu đồng... vẫn đang nằm chờ chủ.
"Thị trường sắp đến ngưỡng bão hòa rồi. Người ta mua xe ở đâu cũng có, giá nào cũng được, xe cũ hai năm vừa qua "chết như ngả rạ". Nhiều anh em mối hàng của tôi đã nghỉ. Mình thì vẫn cố bám víu vậy thôi" - chủ salon xe cũ tại Long Biên cho biết.
Xe dưới 700 triệu đồng loạt giảm giá
Nguồn cung xe nhập khẩu và sản xuất lắp ráp trong nước dồi dào. Phân khúc xe bình dân, dưới 700 triệu đồng, được dự báo sẽ tiếp tục giảm giá, tăng ưu đãi và rất sôi động.
Sang tháng 4, các DN ô tô đồng loạt giảm giá, khuyến mãi, từ dòng xe bán tải bất chấp lệ phí trước bạ tăng từ 10/4, đến xe SUV 7 chỗ, SUV 5 chỗ, xe sedan,... đều có mức giảm trung bình 30-70 triệu đồng.
Với dòng Pick up, mẫu Chevrolet Colorado, được nhà phân phối mới thực hiện chương trình ưu đãi trị giá 30 triệu đồng cho toàn bộ các phiên bản. Trong khi đó, Isuzu Việt Nam công bố giảm từ 30-70 triệu đồng cho mẫu D-Max đến hết tháng 6/2019.
Từ ngày 15/4/2019, Nissan Việt Nam hỗ trợ từ 20-25 triệu đồng lệ phí trước bạ cho mẫu Navara. Còn mẫu Mazda BT-50 tiếp tục duy trì các mức ưu đãi từ 30-35 triệu đồng tuỳ từng phiên bản.
Với dòng SUV 7 chỗ, một số thương hiệu cũng đã đưa ra các chương trình ưu đãi bằng tiền mặt khá lớn. Chevrolet Trailblazer có các mức ưu đãi lên tới 50 triệu đồng. Nissan Việt Nam áp dụng mức giá mới với mẫu Terra, trong đó phiên bản Terra E giảm giá 50 triệu đồng xuống còn 948 triệu đồng; Terra S giảm 60 triệu đồng xuống còn 899 triệu đồng và cả hai phiên bản này còn được tặng thêm 10 triệu đồng nữa.
Phiên bản Terra V không giảm giá, giữ nguyên mức 1,226 tỷ đồng nhưng cũng được khuyến mãi tặng 20 triệu đồng. Mitsubishi Việt Nam không có chương trình hỗ trợ nào, nhưng các đại lý đang giảm 30 triệu đồng với mẫu Pajero Sport.
Với dòng SUV 5 chỗ, Nisan X-Trail giảm giá 30 triệu đồng, ngoài ra khách hàng còn nhận thêm quà tặng khi mua xe. Đại lý của Mitsubishi Việt Nam có mức giá ưu đãi từ 15-50 triệu đồng cho mẫu xe Outlander. Honda CR-V không bị ép “bia kèm lạc”, còn được đại lý khuyến mại thêm 15-20 triệu đồng tiền phụ kiện.
Dòng SUV hạng B, Honda HR-V, đang được các đại lý giảm giá từ 10-13 triệu đồng. Hyundai Kona được giảm giá 15-20 triệu đồng. Ford Ecosport giảm giá 30-50 triệu đồng tùy từng phiên bản.
Mua xe tải nhỏ kiếm tiền triệu mỗi ngày
Những chiếc xe tải nhỏ chở hàng giá rẻ ngày càng được nhiều cá nhân/tổ chức kinh doanh nhỏ, ít vốn lựa chọn.
Theo khảo sát của PV, trong lĩnh vực vận tải và kinh doanh sản xuất, xe tải nhẹ giá rẻ là phương tiện được nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng bởi thiết kế nhỏ gọn và di chuyển linh hoạt, phù hợp để vận chuyển hàng hóa tùy theo nhu cầu.
Hơn nữa, do ưu điểm xe nhỏ, nên có thể đi vào các cung đường gấp khúc, cấm tải hay đường thành phố dễ dàng. Đây là điểm khiến phân khúc xe này rất sôi động tại Việt Nam.
Theo số liệu bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2017 doanh số bán xe tải toàn thị trường đạt hơn 80.000 xe các loại, trong đó xe tải nhẹ từ 5 tấn trở xuống chiếm gần 27%, tương đương 26.431 xe.
Trong những tháng đầu năm 2018, nhu cầu của các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Việt Nam đối với dòng xe tải nhẹ tiếp tục gia tăng. Số liệu VAMA cho thấy, kết thúc tháng 4/2018, lượng tiêu thụ xe tải nhẹ (từ 5 tấn trở xuống) đạt 8.045 xe, chiếm gần một nửa doanh số xe tải các loại bán ra trên thị trường.
Các thương hiệu xe tải nhẹ tại Việt Nam đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Quốc. Tùy từng tình hình tài chính và nhu cầu sử dụng mà các thương hiệu có lượng khách hàng của riêng mình.
Theo chia sẻ của các đại lý xe tải nhẹ tại Hà Nội, giá xe tải của Trung Quốc hiện thấp hơn xe Nhật, Hàn khá nhiều, có thể thấp hơn từ 2 đến 3 lần.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Quân (một thợ sửa xe chuyên nghiệp), bên cạnh việc có lợi thế về thu hồi vốn nhanh, xe giá rẻ của Trung Quốc có nhược điểm lớn là nhanh hỏng hóc.
“Những chiếc xe giá rẻ thì tiền nào của nấy, xe phần lớn xuống cấp rất nhanh, chạy được khoảng 5 năm thì vào giai đoạn bảo trị nặng, liên tục phải thay phụ tùng, lại tiêu hao nhiên liệu. Tuy giá thành rẻ hơn xe của Nhật, Hàn, Việt Nam nhưng tiền tăng chi phí dầu mỡ, phụ tùng rất lớn lại hay trục trặc kỹ thuật, nếu tính kinh tế còn đắt hơn”.
An Linh